Tổ chức Bảo vệ động vật toàn cầu đã đóng cửa một lò mổ chó tại tỉnh Kampong Thom (Campuchia) vào đầu tháng 8 vừa qua nhằm bảo vệ phúc lợi động vật cũng như sức khỏe cộng đồng.
Thông tin từ tổ chức Bảo vệ động vật toàn cầu (Four Paws) cho biết đơn vị này vừa đóng cửa một lò mổ chó tại tỉnh Kampong Thom, Campuchia vào đầu tháng 8 vừa qua. Tại đây, họ đã giải cứu 15 con chó còn lại tại lò và dẹp bỏ các chuồng nhốt và các công cụ giết mổ.
Đây được coi là thành công thứ hai của tổ chức sau khi đã đóng cửa được một lò mổ cung cấp thịt chó tại Campuchia vào cuối năm 2019. Lò mổ được đóng cửa trước đó là nơi cung cấp thịt chó lớn nhất trong khu vực, trung bình người ta giết thịt khoảng 3000 con chó mỗi năm.
Four Paws vừa đóng cửa một lò mổ chó tại tỉnh Kampong Thom, Campuchia nhằm bảo vệ phúc lợi động vật và sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Four Paws
Theo Four Paws, việc đóng cửa lò mổ tại tỉnh Kampong Thom là một hành động trong tiến trình cấm ăn thịt chó, mèo ở Campuchia, bắt đầu từ chính quyền Siem Riep, khi thành phố này đã ban bố lệnh cấm buôn bán, giết mổ thịt chó vào hồi tháng 7 vừa qua.
Đây cũng là thành phố đầu tiên ban hành lệnh cấm đối với thịt chó mèo, dù chính quyền Campuchia chưa có một điều luật cụ thể nào ngăn cấm vấn nạn này. Tuy nhiên, tổ chức Bảo vệ động vật toàn cầu Four Paws tin rằng, pháp chế đã được lập và nếu được kích hoạt, nạn buôn bán sẽ giảm dần.
Để thúc đẩy điều này, Four Paws đã hợp tác với tổ chức từ thiện địa phương Animal Rescue Cambodia, cải thiện phúc lợi động vật ở Campuchia. Đồng thời ký biên bản ghi nhớ với Mine Action Centre của Campuchia (CMAC), một công ty truyền thông của chính phủ Campuchia, để chấm dứt nạn buôn bán thịt chó ở đây.
Được biết, sau khi đóng cửa lò mổ, tổ chức Four Paws còn tạo điều kiện cho các chủ lò mổ chuyển sang công việc khác như xây dựng và vận hành các tiệm tạp hóa nhỏ, để họ có thể ổn định kinh tế, không quay lại nghề giết mổ buôn bán thịt chó.
“Đây là một dấu mốc đáng ghi nhớ của Campuchia trong việc chấm dứt buôn bán và giết hại chó mèo. Chúng tôi rất nhẹ nhõm khi thấy nơi đây sẽ bị đóng cửa mãi mãi. Chúng tôi không chỉ thay đổi cuộc đời của những chú chó được cứu sống, mà còn giúp cho hàng trăm nghìn chú chó khác thoát được cái chết kinh hoàng”- TS-BS thú ý Katherine Polak, người đứng đầu Chiến dịch chăm sóc động vật đi lạc của Four Paws ở Đông Nam Á, cho biết.
Ước tính tại quốc gia này, có 3 triệu con chó bị giết thịt mỗi năm. Trong nhiều năm nay, tổ chức Four Paws đã kêu gọi lệnh cấm buôn bán thịt chó, mèo dã man tại Campuchia và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Cách đây không lâu, Four Paws cùng tổ chức Liêm minh bảo vệ Chó châu ACPA đã có kiến nghị Việt Nam cần cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo do lo ngại nguy cơ bùng phát đại dịch mới như COVID-19. Theo tổ chức này việc giết mổ chó mèo không chỉ là mối đe dọa đến phúc lợi của vật nuôi mà còn là mối lo cho sức khỏe cộng đồng.
TS Karanvir Kukreja, Giám đốc Dự án Chiến dịch Chấm dứt nạn buôn bán thịt chó mèo của Four Paws cũng lo ngại: “Dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy thực tế việc buôn bán thịt động vật sống nguy hiểm như thế nào. Ở Vũ Hán, nơi được cho là khởi phát dịch bệnh, động vật bán lấy thịt bị nhốt trong điều kiện chật hẹp và mất vệ sinh. Những điều kiện nuôi nhốt đó cũng được trông thấy ở những nơi buôn bán thịt chó ở Campuchia, tất cả dẫn đến môi trường lý tưởng để phát triển loại virus mới”.
Theo vị này, thông qua việc giáo dục và hợp tác với chính quyền, cộng đồng địa phương và ngành công nghiệp du lịch, chính phủ các nước Đông Nam sẽ thúc đẩy luật bảo vệ động vật, điều luật chấm dứt nạn bắt giữ, làm thịt và tiêu thụ thịt chó, mèo. “Đây không chỉ là bảo vệ động vật, mà còn bảo vệ cộng đồng trước mối đe dọa về sức khỏe”- ông nhấn mạnh.