Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Ngân hàng Mizuho đã ký thỏa thuận cấp khoản cho vay 330 triệu USD để xây dựng nhà máy năng lượng Mặt Trời quy mô lớn đầu tiên tại Qatar.
Dự án trên là một phần trong những nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện của Qatar lên mức 20% vào năm 2030. Qatar là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn sang Nhật Bản.
Quốc gia Trung Đồng này lâu nay phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện. JBIC cho biết khoản vay trên sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Qatar.
Theo thỏa thuận được ký kết trong tháng Bảy, nhà máy điện Mặt Trời quy mô lớn này sẽ được xây dựng tại làng Al Kharsaah, thuộc vùng sa mạc miền Tây Qatar. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 4/2022 với sản lượng ước tính khoảng 800 megawatts.
Một công ty đặc biệt do tập đoàn Marubeni Corp, công ty dầu khí Total S.A. (Pháp), và một doanh nghiệp năng lượng của Qatar thành lập sẽ sở hữu và chịu trách nhiệm quản lý nhà máy, bán điện cho Tập đoàn Điện lực và Nguồn nước Qatar trong 25 năm.
Cơ sở này sẽ là một trong những nhà máy điện Mặt Trời lớn nhất thế giới sử dụng các tấm pin hai mặt.
Những tấm pin này có thể hấp thụ ánh nắng phản chiếu từ mặt đất vào mặt sau của pin, phù hợp hơn với những nơi có độ phản chiếu cao như sa mạc, vùng tuyết phủ và mặt nước.
Nhật Bản đang mở rộng đầu tư vào các dự án xây dựng và quản lý hạ tầng trong khuôn khổ Chiến lược Xuất khẩu hệ thống hạ tầng được sửa đổi vào tháng 6/2019.
Ngoài Qatar, nhiều nước sản xuất dầu mở khác ở Trung Đông như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đang nỗ lực đa dạng hóa ngành năng lượng, hướng tới sản xuất năng lượng Mặt Trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác, qua đó giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính.