Trước thông tin băn khoăn về năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Cục Thú y, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long.
“Chia lửa” cùng ngành y tế
Ông có thể cho biết vì sao các đơn vị phân tích của ngành nông nghiệp, cụ thể là Cục Thú y lại quyết định “chia lửa” với ngành y tế khi tham gia hỗ trợ xét nghiệm virus SARS-CoV-2?
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã chỉ đạo các Bộ, ngành thành viên, chủ lực là ngành y tế bảo đảm các điều kiện để tổ chức chẩn đoán, xét nghiệm nhanh, chính xác các mẫu bệnh phẩm, nhất là trong điều kiện dịch bệnh có khả năng lây lan trên diện rộng, cần phải tổ chức xét nghiệm mẫu với số lượng lớn.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Thú y tổ chức rà soát, kiện toàn năng lực xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Realtime RT-PCR và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm, hỗ trợ ngành y tế xét nghiệm trên diện rộng trong trường hợp cần thiết.
Ngay từ tháng 2/2020, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế tổ chức rà soát, thẩm định, đánh giá và có quyết định công nhận năng lực xét nghiệm sàng lọc và khẳng định virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trên người cho hệ thống phòng thí nghiệm của Cục Thú y.
Vậy Cục Thú y đã chuẩn bị, kiện toàn nhân lực, vật lực, phương tiện như thế nào để đáp ứng được các yêu cầu của các cơ quan y tế, thưa ông?
Các phòng thí nghiệm tham gia xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Real-time RT PCR phải rà soát và bảo đảm các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học, nguồn nhân lực và tổ chức thực hiện xét nghiệm theo đúng quy trình của Bộ Y tế.
Thực tế, từ năm 2003 khi dịch cúm gia cầm H5N1 lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, Cục Thú y có 8 phòng xét nghiệm đã được nhà nước, các tổ chức quốc tế, các nước hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị (bao gồm hệ thống xử lý mẫu, máy chiết tách ly trích RNA/DNA, tủ an toàn sinh học, hệ thống máy Realtime PCR, xử lý chất thải…), sinh phẩm; được các chuyên gia quốc tế đào tạo tập huấn, tham gia so sánh liên phòng, đánh giá độ thành thạo với các phòng thí nghiệm quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC).
Đến nay, tất cả 8 phòng thí nghiệm này đã có hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn ISO/IEC-17025. Hằng năm, các phòng thí nghiệm của Cục Thú y có lượng mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR lên tới hàng trăm nghìn mẫu, trong đó có rất nhiều mầm bệnh truyền lây giữa người và động vật (như cúm gia cầm, cúm lợn, dại, nhiệt thán, liên cầu khuẩn…), yêu cầu cao về độ chính xác và đảm bảo an toàn sinh học trong xét nghiệm.
5 phòng phân tích được Bộ Y tế chứng nhận đủ năng lực
Cục Thú y đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế để triển khai như thế nào, thưa ông?
Cục Thú y đã phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Cục Y tế dự phòng, Văn phòng WHO, Tổ chức FAO tại Việt Nam và các tổ chức khác để đào tạo, tập huấn cho các cán bộ phòng thí nghiệm của Cục Thú y trong việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT- PCR ở mẫu bệnh phẩm của động vật theo quy trình của ngành Thú y và ở mẫu bệnh phẩm của người theo quy trình của ngành Y tế.
Hiện nay, Cục Thú y đã có 5 phòng bao gồm Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, Chi cục Thú y vùng II tại Hải Phòng, vùng III tại Nghệ An, vùng VI tại TP Hồ Chí Minh và vùng VII tại TP Cần Thơ đã được các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế cấp quyết định và chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT PCR.
Về phương pháp Realtime RT-PCR là một trong những kỹ thuật xét nghiệm hiện đại và phố biến nhất hiện nay, có độ chính xác cao, cho kết quả nhanh và có thể sử dụng để xét nghiệm số lượng mẫu lớn trong thời gian ngắn. Việc xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT- PCR trên mẫu động vật hay trên trên mẫu người (như dịch ngoáy mũi, dịch ngoáy hầu họng) về bản chất là giống nhau.
Tuy nhiên, các phòng thí nghiệm cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xét nghiệm và các quy định về an toàn sinh học do Bộ Y tế quy định từ công đoạn tiếp nhận mẫu, xử lý mẫu, lưu giữ mẫu đến xét nghiệm và báo cáo kết quả.
Về xét nghiệm phát hiện coronavirus, hiện nay có rất nhiều chủng khác nhau đang lưu hành ở động vật và ở người.
Từ năm 2013 – 2019, các phòng thí nghiệm của Cục Thú y đã phối hợp với Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WCS), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) tiến hành chủ động giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm hàng nghìn mẫu của động vật hoang dã (như dơi, chuột, nhím…) để xác định và giải mã gene có hay không mang trùng các chủng Coronavirus, Flavivirus, Paramyxovirus, Rhabdovirus, Henipavirus, Filovirus và Hatavirus.
Trong đó, một số kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế, có uy tín như PLOS ONE. Từ đó, các phòng thí nghiệm của Cục Thú y tích lũy nhiều kinh nghiệm trong xét nghiệm phát hiện các chủng coronavirus. Hiện nay, các phòng thí nghiệm của Cục Thú y có đủ sinh phẩm để xét nghiệm hàng nghìn mẫu trên động vật.
Thưa ông, cho đến nay Bộ Y tế đã chứng nhận năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 cho Cục Thú y ra sao?
Các phòng thí nghiệm của Cục Thú y đã hoàn thiện hồ sơ năng lực xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Real-time RT PCR gửi các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế tổ chức thẩm định, đánh giá theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Kết quả, tính đến tháng 5/2020, có 5 phòng thí nghiệm của Cục Thú y (bao gồm Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, Chi cục Thú y vùng II tại Hải Phòng, vùng III tại Nghệ An, vùng VI tại TP.HCM và vùng VII tại TP Cần Thơ) đã được các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế cấp quyết định và chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time RT PCR.
Các phòng thí nghiệm của Cục Thú y đã chuẩn bị các điều kiện, sinh phẩm sẵn sàng tham gia xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên mẫu người bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR khi có yêu cầu của Bộ Y tế. Mặc dù còn hạn chế về số lượng sinh phẩm, nhưng đến nay, các phòng thí nghiệm của Cục Thú y đã có sinh phẩm đủ xét nghiệm ít nhất 5.000 mẫu.
Thực tế, thời gian qua, các cơ quan y tế của một số địa phương đã lấy mẫu và gửi mẫu đến Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương và Chi cục Thú y vùng III tại Nghệ An để xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2. Các phòng thí nghiệm khác cũng đã sẵn sàng tiếp nhận mẫu bệnh phẩm của người từ các cơ quan của ngành y tế để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi có yêu cầu.
Trong thời gian tới, các phòng thí nghiệm của Cục Thú y tiếp tục báo cáo Bộ NN-PTNT xem xét, quyết định việc cấp bổ sung kinh phí mua sinh phẩm, đồng thời đề nghị Bộ Y tế xem xét, cung cấp sinh phẩm để có thể tham gia toàn diện trong xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên mẫu người bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR khi có yêu cầu của các cơ quan y tế.
Xin cảm ơn ông!