7 tháng 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 36,5 triệu tấn than đá, trị giá 2,558 tỷ USD, tăng 49% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 36,5 triệu tấn than đá, trị giá 2,558 tỷ USD, tăng 49% về lượng và tăng 10,8% (hơn 250 triệu USD) về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng trong tháng 7/2020, sản lượng than đá nhập về Việt Nam lên tới 5 triệu tấn, trị giá 294 triệu USD, tăng gần 1 triệu tấn so với tháng 7/2019.
Với sản lượng than nhập khẩu không ngừng gia tăng, dù những tháng đầu năm là giai đoạn nhiều ngành sản xuất lớn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng lượng than vẫn được nhập về đều đặn.
Việt Nam nhập than nhiều nhất từ 3 thị trường lớn là Indonesia, Nga và Trung Quốc. 7 tháng qua, nhập than từ Trung Quốc đạt khoảng 140.000 tấn, với giá khoảng 6,2 triệu đồng/tấn, gấp gần 3 lần so với giá mua bình quân của các nước khác và giá trên thị trường.
Than từ Indonesia được nhập về nhiều nhất trong 7 tháng qua với 11,2 triệu tấn, kim ngạch hơn 540 triệu USD, giá bình quân đạt hơn 1,1 triệu đồng/tấn.
Khai thác than trong nước gặp khó, trong khi nhu cầu tiêu dùng than ngày càng lớn, từ nhiệt điện, xi măng, sắt thép, hóa chất…, khiến nguồn than nhập khẩu ngày càng trở nên quan trọng. Nhìn vào sản lượng than nhập trong những năm gần đây có thể thấy rõ điều này.
Nếu năm 2014, Việt Nam mới nhập 3,096 triệu tấn than, trị giá 364 triệu USD thì đến cuối 2019, lượng than nhập đã gấp hơn 10 lần, với 43,5 triệu tấn, với ngoại tệ lên tới 3,75 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, việc Việt Nam tăng nhập khẩu than với số lượng lớn chủ yếu do nhu cầu than cho các nhà máy điện lớn. Cụ thể, theo báo cáo của Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam hồi đầu năm nay, năm 2019 tập đoàn này cấp hơn 36 triệu tấn than cho sản xuất điện tăng gần 7 triệu tấn so với 2018 và tăng 12 triệu tấn so với 2017.
Bộ này cũng cho biết, nguồn nhiệt điện than tiếp tục chiếm tỷ trọng rất cao nên nhu cầu than cho sản xuất điện cung tăng nhanh từ năm 2020 – 2030.