Thái Lan chưa mua điện từ đập Luang Prabang

Mạng lưới người Thái thuộc 8 tỉnh Mê Kông vừa công bố bức thư phúc đáp của Điện lực Thái Lan (EGAT) về khuyến nghị không nên mua điện từ đập Luang Prabang của Lào.

Niwat Roykaew – thành viên chủ chốt của Mạng lưới cho biết EGAT chưa quyết định mua điện từ đập Luang Prabang vì còn phải tuân theo một số thủ tục.

Những thỏa thuận mua điện mà EGAT từng ký với các nhà phát triển đập ở hạ Mê Kông cũng như trên các dòng nhánh tại các nước láng giềng được coi là bước quan trọng để đảm bảo tài chính cho dự án. Tuy nhiên, do thông tin về các thỏa thuận thường không được công khai nên những người ủng hộ phát triển bền vững thường tạo áp lực yêu cầu minh bạch nội dung các thỏa thuận.

EGAT thừa nhận ít nhất 4 dự án đập được lên kế hoạch ở Hạ Mê Kông (gồm Pak Bang, Pak Lay, Luang Prabang, Sanakham) đề xuất bán điện cho cơ quan này.

Ảnh: Bangkok Tribune

Cuối tháng, nội các Thái Lan chấp thuận dự thảo mới nhất về Quy hoạch điện 2018, theo đó sẽ mua 3.500 MW từ các nước láng giềng trong khoảng thời gian 2026 – 2035.

Tuy nhiên, Bộ Năng lượng sẽ rà soát lại Quy hoạch do Covid-19 bùng phát ảnh hưởng tới nhu cầu điện của Thái Lan. Kế hoạch mua điện từ các dự án đập ở Lào hiện được giao cho tiểu ban thuộc Ủy ban Điều tiết Năng lượng phụ trách.

“Hiện tại EGAT chưa mua điện từ đập Luang Prabang, nếu thỏa thuận được tiến hành thì cũng phải tuân theo thủ tục”, Điện lực Thái Lan khẳng định.

Tháng 7/2019, chính phủ Lào đệ trình tham vấn trước dự án Luang Prabang. Quy trình này được thực hiện trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 8/10 nhưng vì Covid-19, MRC quyết định trì hoãn kết luận thêm một tháng để có thêm thời gian tham vấn.

Trong thời điểm kết thúc tham vấn trước dự án Luang Prabang, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam yêu cầu Lào thực hiện đánh giá tác động xuyên biên giới một cách “khắt khe”, thúc đẩy các biện pháp bù đắp tác động tiêu cực tiềm tàng từ dự án được đề xuất.

Dù đánh giá cao việc Lào đệ trình dự án để tham vấn trước và hợp tác với các nước trong khu vực, đồng thời thừa nhận chủ quyền và quyền ra quyết định về phát triển đập, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam yêu cầu nước này xem xét “đúng mức” các khuyến nghị được nêu trong Biểu mẫu trả lời chính thức.

Đơn cử, Campuchia kêu gọi thực hiện đánh giá kỹ lưỡng hơn về tác động môi trường xuyên biên giới, cân nhắc thực hiện các phương pháp và kế hoạch bù đắp tác động tiêu cực.

Việt Nam nhấn mạnh “Tác động tích lũy từ dự án Luang Prabang cũng như các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông cần được đánh giá toàn diện”.

Thái Lan cho rằng “Lào và bên phát triển đập nên thành lập Quỹ hiến tặng và xác định các biện pháp bù đắp tác động xuyên biên giới về kinh tế xã hội, sinh kế và môi trường”.

Ủy ban hỗn hợp MRC cũng kêu gọi Lào cân nhắc và giải quyết các khuyến nghị được đưa ra.

Thế Anh (Theo Bangkok Tribune)

Nguồn: