Nhiều năm qua, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam rộng 19.000 ha ở hai xã Quế Lâm và Phước Ninh, huyện Nông Sơn là mái nhà của đàn voi rừng quý hiếm.
Tín hiệu vui từ đại ngàn
Đầu tháng 4/2020, trong đợt điều tra đa dạng sinh học, nhóm chuyên gia dự án Trường Sơn Xanh của USAID và cán bộ địa phương đã phát hiện một đàn voi rừng 8 con, tăng 1 con so với trước đó. Đàn voi xuất hiện trên lâm phận xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, Quảng Nam, thuộc Khu bảo tồn (KBT) loài và sinh cảnh Voi.
Trong đàn có một con đực bán trưởng thành, 4 con cái trưởng thành, một con cái bán trưởng thành, một con đực thiếu niên và một con non một tuổi. Sự phát hiện này được xem là tín hiệu tích cực, cho thấy hiệu quả ban đầu của những quyết tâm và nỗ lực bảo tồn voi của tỉnh Quảng Nam.
Ông Từ Văn Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho rằng, voi mẹ sinh sản là rất quý hiếm. Điều này khẳng định tầm quan trọng của KBT loài và sinh cảnh voi đối với việc bảo tồn loài thú lớn cực kỳ nguy cấp này của Việt Nam.
“Voi mẹ sinh sản không chỉ giúp tăng số lượng voi mà còn là tín hiệu tích cực cho thấy sinh cảnh sống của voi đã ổn định hơn, giảm nguy cơ bị đe doạ hay quấy phá và có nguồn thức ăn dồi dào hơn”, ông Khánh chia sẻ.
Việc thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi được bắt nguồn từ hơn 4 năm trước. Vào tháng 6/2016, khi Tổng cục Lâm nghiệp khảo sát tại Quảng Nam đã ghi nhận 6 – 7 cá thể voi châu Á tại xã Quế Lâm. Để bảo tồn đàn voi quý này, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục điều tra khảo sát, xây dựng và phê duyệt Đề án xác lập KBT loài và sinh cảnh voi Quảng Nam với diện tích 19.000 ha ở hai xã Quế Lâm và Phước Ninh, huyện Nông Sơn.
Một năm sau đó, Ban quản lý KBT loài và sinh cảnh voi được thành lập. Đây là khu bảo tồn chuyên về voi đầu tiên của Việt Nam. Từ đây, các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn săn bắt voi; bảo vệ voi được triển khai. Từ khi KBT được thành lập, tình trạng xung đột giữa đàn voi với người dân vùng lân cận hầu như hiếm khi xảy ra so với trước đây.
Giữ rừng cho voi
Ông Mai Văn Dưỡng – Phó Giám đốc Ban quản lý KBT loài và sinh cảnh voi cho biết, hiện nay BQL gồm 30 kiểm lâm viên với nhiệm vụ bảo vệ đàn voi. Từ lúc thành lập, Ban đã xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, và bảo vệ đàn voi là ưu tiên hàng đầu. Các thành viên trong ban luân phiên tổ chức tuần tra, kiểm soát ở khu rừng này, theo dõi nắm bắt tình hình khi có đối tượng lạ xâm phạm vào rừng để có biện pháp xử lý.
Thời gian qua, hàng chục lán trái dựng trái phép, bẫy động vật hoang dã đã được lực lượng chức năng tháo dỡ, bàn giao cho cơ quan Công an huyện Nông Sơn xử lý. USAID hỗ trợ KBT về điều tra đa dạng sinh học, áp dụng công cụ SMART trong tuần tra, xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững, hỗ trợ KBT tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương cũng như hỗ trợ một số mô hình nâng cao sinh kế cho người dân sống trong khu vực vùng đệm của KBT.
Ngoài việc giữ rừng cho voi, khu bảo tồn được các tổ chức hỗ trợ nhiều đợt tuyên truyền để người dân tránh xung đột với voi. Nhiều đợt tập huấn kỹ năng ứng phó khi đàn voi ra rẫy của dân tìm thức ăn, hỗ trợ dân kẻng để khi voi về làng thì đánh kẻng để lùa voi về rừng…. Bây giờ người dân sống ven rừng đã thay đổi suy nghĩ lẫn hành động, từ chỗ “đối đầu” với voi đã chuyển sang “làm bạn”, xem voi tài sản thiên nhiên ban tặng cho vùng đất, con người nơi đây. Do vậy, bất cứ kẻ lạ nào vào rừng voi sinh sống đều khó qua mắt dân và họ báo ngay cho lực lượng chức năng ngăn chặn.