San hô nhiệt đới đang ngày càng phát triển, mọc lấn các thảm rong biển vốn là nguồn thức ăn phong phú cho các loài sinh vật ở vùng biển phía Nam Vịnh Tokyo.
Theo các ngư dân và thợ lặn địa phương, ở vùng biển ngoài khơi thành phố Kyonan thuộc tỉnh Chiba, phía Đông thủ đô Tokyo, các thảm rong biển đã biến mất trong 12 năm qua, thay vào đó mọc lên các rạn san hô bàn (table coral), loài san hô thường thấy ở vùng nước ấm hơn ở Tây Nam Nhật Bản.
Ông Jiro Uochi, 65 tuổi, một hướng dẫn viên du lịch và thợ lặn ở Kyonan, cho biết, ông bắt đầu nhận thấy sự biến mất của các thảm rong biển vào mùa hè năm 2015.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các vùng biển khác của Nhật Bản, khi ấu trùng của các loài san hô nhiệt đới theo các dòng hải lưu ấm đến định cư dưới đáy biển và sinh sôi, phát triển, dần thay thế các thảm rong biển.
Hiện tượng này được lý giải là do nhiệt độ nước biển ấm lên và đạt mức cao kỷ lục toàn cầu vào năm 2019. Theo ông Uochi, trong những năm gần đây, nhiệt độ nước biển ở Kyonan thường cao trên 15 độ C ngay cả trong mùa Đông.
Nhiệt độ nước ở vùng biển ngoài khơi Kyonan đã gia tăng trong 2 năm qua do sự thay đổi của dòng hải lưu Kuroshio, vốn khởi nguồn ở ngoài khơi Philippines và chảy về phía Đông Bắc ngang qua Nhật Bản.
Ông Koichi Hirashima, người đứng đầu một hiệp hội ngư dân địa phương, cho biết, sự biến mất của các thảm rong biển ở Kyonan đã làm mất đi một nguồn thức ăn nuôi sống bào ngư, vốn là một đặc sản địa phương, khiến loài này ngày càng suy giảm về số lượng. Hiện tượng các thảm rong biển “nhường chỗ” cho san hô được cho là do nhiệt độ nước ở một số vùng biển tăng cao lên hơn 28 độ C.
Theo ông Naoki Kumagai – chuyên gia về hệ sinh thái ven biển và hiện tượng nóng lên toàn cầu tại Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia Nhật Bản, loài san hô nhiệt đới ở vùng biển Kyonan – Acropora solitaryensis, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1979 ở tỉnh Mie, miền Trung Nhật Bản. Sau đó, loài san hô này được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Izu thuộc tỉnh Shizuoka vào năm 1993 và ngoài khơi thành phố Tateyama của tỉnh Chiba vào năm 2007. Điều này đồng nghĩa, trong gần 30 năm, loài san hô này đã di chuyển quãng đường khoảng 350 km từ tỉnh Mie về hướng Đông Bắc.
Kể từ năm 2013, khi nhiệt độ nước biển tăng mạnh, nguồn thức ăn nuôi sống sinh vật biển đã bị sụt giảm rõ rệt ở các vùng biển ngoài khơi tỉnh Fukuoka, Tây Nam Nhật Bản, đến tỉnh Kanagawa, phía Nam thủ đô Tokyo. Ông Kumagai cho biết một lý do khiến san hô nhiệt đới mọc lấn các thảm rong biển là cá đã ăn hết rong biển không khỏe mạnh.