Mục tiêu của dự án nhằm giúp 15.000 hộ nghèo, cận nghèo ở 30 xã thuộc 7 huyện, xây dựng sinh kế bền vững…
Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tỉnh Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh) do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ tỉnh Trà Vinh thực hiện 6 năm, từ 2014 – 2020 với mục tiêu giúp 15.000 hộ nghèo, cận nghèo ở 30 xã thuộc 7 huyện, xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn và nâng cao năng lực thích ứng, cải thiện sinh kế ứng phó biến đổi khí hậu.
Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án hơn 522 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn vay của IFAD hơn 233,5 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của IFAD hơn 126,5 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam gần 79,5 tỷ đồng, số tiền còn lại do người hưởng lợi đối ứng).
Ông Huỳnh Nghĩa Thọ, Giám đốc Ban Điều phối Dự án AMD Trà Vinh cho biết: Trong 5 năm (2014 – 2019), từ nguồn Quỹ đồng tài trợ mô hình thích ứng biến đổi khí hậu (Quỹ CCA) thuộc Dự án AMD Trà Vinh đã tài trợ cho 886 kế hoạch sản xuất kinh doanh với trên 7.400 hộ thuộc nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ Khmer, hộ do nữ làm chủ hộ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, với tổng số tiền giải ngân gần 81 tỷ đồng.
“Quỹ CCA là một trong 4 nguồn quỹ đầu tư của dự án, được đánh giá là nguồn quỹ mang lại hiệu quả thiết thực nhất thông qua việc hỗ trợ trực tiếp các đối tượng hưởng lợi là hộ nghèo, cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh, tổ hợp tác; với đối tượng ưu tiên là hộ Khmer, hộ do nữ làm chủ.
Mục tiêu của Quỹ CCA là chia sẻ rủi ro, khuyến khích nông dân ứng dụng mô hình sản xuất, dịch vụ hợp lý tạo nhu nhập bền vững cho người dân trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Quỹ CCA hỗ trợ không hoàn lại tối đa 50% tổng chi phí kế hoạch sản xuất, kinh doanh được xét chọn, với mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/hộ cá thể, 100 triệu đồng/hộ sản xuất kinh doanh và 750 triệu đồng/tổ, nhóm.
Người hưởng lợi đối ứng số tiền còn lại, trong đó, tiền mặt tối thiểu 10% và hiện vật như máy móc, trang thiết bị, phương tiện, chuồng trại, công lao động, đất sản xuất…” – ông Thọ chia sẻ.
Nhiều mô hình sinh kế được Quỹ CCA đầu tư được đánh giá khá thành công, thích ứng cao và được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nhân rộng, như nuôi sò huyết bãi bồi ven sông, nuôi vọp ven sông, nuôi cua quảng canh cải tiến, nuôi dê theo hướng an toàn sinh học và ủ phân vi sinh, nuôi gà thả vườn sử dụng đệm lót sinh học, trồng ớt chỉ thiên thích ứng biến đổi khí hậu, trồng lạc, dưa hấu, ngô giống.