Sự cố với một số đập nhỏ trong mùa mưa lũ năm nay có thể khiến Bắc Kinh cần xem xét lại chiến lược xây đập của mình.
Nước sông Trường Giang, con sông dài nhất Trung Quốc và dài thứ ba thế giới, dâng cao nhanh chóng trong những tuần gần đây, tràn bờ nhấn chìm các vùng đất lân cận, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Cùng lúc, áp lực gia tăng với đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới được xây dựng vào năm 2003 trên sông Trường Giang. Công ty vận hành đập cho biết họ bước vào “tình trạng thời chiến” khi mực nước hồ chứa gần đạt mức tối đa.
Những con đường và các lầu ven sông ở thành phố Vũ Hán bị nhấn chìm dưới lũ. Tại một số ngôi làng ở nam Vũ Hán, chính quyền địa phương triển khai các đội cứu hộ đi thuyền để giải cứu người dân từ những ngôi nhà bị ngập.
Do mưa lớn nhiều ngày, lũ lụt đe dọa ảnh hưởng đến 480 triệu cư dân và các đô thị lớn, bao gồm Thượng Hải, Vũ Hán, Trùng Khánh, nằm trong lưu vực rộng 1,8 triệu km2 của Trường Giang. Khu vực này cũng chiếm phần lớn tổng sản lượng kinh tế hàng năm của Trung Quốc.
Lũ lụt, bắt đầu rút vào cuối tháng 7, là thiên tai tồi tệ nhất trong một thập kỷ tại đất nước vẫn đang phục hồi sau đại dịch. Ít nhất 158 người đã chết hoặc mất tích và 4 triệu người phải sơ tán.
Song cho đến nay, trận lụt vẫn chưa giáng đòn mạnh vào nền kinh tế. Trên thực tế, Li Yao, nghiên cứu viên tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, ước tính trong nghiên cứu sơ bộ rằng trận lụt chỉ làm giảm 0,17% GDP năm 2020 của Trung Quốc, thiệt hại ít hơn nhiều so với các thiên tai trước đó.
“Có lẽ Trung Quốc không quá khó khăn để chống chọi với thiệt hại kinh tế tổng thể do lũ lụt gây ra”, bà Li nói.
Tác động không nghiêm trọng
Việc lũ lụt chưa gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc không phải ngẫu nhiên. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã phát triển những vùng đất ngập nước mới và xây dựng những con đập mới để ứng phó với mối đe dọa như vậy.
Quỹ đạo của nước lũ phản ánh các ưu tiên của chính phủ, với cơ sở hạ tầng mới được xây dựng bảo vệ các thành phố và trung tâm công nghiệp trong khi đất nông nghiệp và làng mạc nông thôn sẽ chịu thiệt hại.
Mưa mùa xuân và mùa hè ở Trung Quốc có nguy cơ gây ra lũ lụt hàng năm, khiến nước này chịu thiệt hại trực tiếp trung bình 10 tỷ USD mỗi năm. Công ty nghiên cứu China Water Risk ước tính rằng mỗi năm Trung Quốc phải gánh chịu nhiều thiệt hại do lũ lụt hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Jennifer Turner, Giám đốc Diễn đàn Môi trường Trung Quốc của Trung tâm Wilson, cho biết biến đổi khí hậu đã làm tăng nguy cơ lũ lụt tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Bà nói mưa lớn ở Trung Quốc đã tăng khoảng 4% mỗi 10 năm trong 5 thập kỷ qua trong bối cảnh khí hậu thay đổi.
Trận lũ lụt kinh hoàng nhất Trung Quốc xảy ra vào năm 1998, khi sông Trường Giang tràn bờ làm thiệt mạng hơn 4.000 người và khiến hơn 14 triệu người mất nhà cửa. Năm 2016, lũ lụt ở Trường Giang giết chết gần 700 người và gây thiệt hại hơn 30 tỷ USD cho đất nước.
Thảm họa năm 1998 đã khiến GDP Trung Quốc giảm 1,9%, trong khi trận lụt năm 2016 khiến GDP giảm 0,3%.
So sánh, lũ lụt năm nay dự kiến gây tổn hại cho nền kinh tế ở mức thấp hơn, mặc dù chuyên gia Li cảnh báo “có thể vẫn còn sớm để ước tính các tác động kinh tế cuối cùng”.
Một điều chắc chắn là lụt năm nay làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu ở mức độ nào đó, khiến dây chuyền sản xuất bị ngưng trệ và gây ra sự chậm trễ trong các ngành khác nhau. Lưu vực Trường Giang là trung tâm xây dựng và nông nghiệp quan trọng của Trung Quốc, đồng thời là nơi đặt nhà máy của các công ty sản xuất ôtô, thiết bị y tế và thép.
Vào ngày 16/7, Reuters đưa tin lũ lụt làm trì hoãn việc vận chuyển các lô hàng thiết bị bảo vệ cá nhân đến Mỹ, nơi đang rất cần đến chúng để chống dịch Covid-19.
Cuối tháng 7, đại diện một số công ty vận tải nói với Supply Chain Dive rằng một số bến tàu nội địa dọc sông Trường Giang đã bị đóng cửa và các nhà buôn trên bờ cũng đang hoạt động với công suất nhỏ hơn.
Tuy nhiên cho đến nay, tác động của lũ lụt đối với chuỗi cung ứng khu vực có vẻ chưa quá nghiêm trọng.
Bà Li nói rằng chuỗi cung ứng hàng hóa như bột giặt, dầu gội đầu và khẩu trang y tế bị chậm trễ. Các nhà máy dọc theo sông Trường Giang sản xuất các sản phẩm như vậy, nhưng bất kỳ sự gián đoạn nào mà họ gặp phải đều có thể do các nhà máy ở các khu vực khác tạo ra, bà nói.
Renaud Anjoran, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại công ty tư vấn China Manufacturing Consultants ở Thâm Quyến, làm việc với các công ty nước ngoài có nhà máy ven sông Trường Giang. Ông nói rằng các nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi nếu lũ lụt nghiêm trọng, nhưng cho đến nay ông chưa nghe nói về bất kỳ sự gián đoạn lớn nào.
“Hoặc các nhà sản xuất đã gặp may”, Anjoran nói với Fortune, “hoặc lũ lụt được điều hướng đến các khu vực phi công nghiệp”.
Chiến lược bảo vệ thành thị
Sự may mắn không có nhiều tác động trong chuyện này. “Chiến lược phòng chống lũ lụt của Trung Quốc là xả lũ vào khu vực đất nông nghiệp”, như biện pháp để đảm bảo an toàn cho các thành phố và khu công nghiệp.
Tổng cộng Trung Quốc có hơn 98.000 đập, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên Trái Đất. Để đối phó với lũ lụt năm 1998, chính quyền trung ương đã thành lập 7 ủy ban lưu vực sông để cung cấp kinh phí cho các dự án cơ sở hạ tầng và lập kế hoạch triển khai các biện pháp kiểm soát lũ lụt dọc theo các tuyến đường thủy chính.
Sáng kiến này củng cố sự phụ thuộc của Trung Quốc vào mạng lưới đập rộng lớn dọc sông Trường Giang và các phụ lưu của nó, phương pháp trực tiếp nhất mà Bắc Kinh sử dụng để kiểm soát lũ lụt và cách ly các thành phố.
Chiến lược này được nhìn thấy vào ngày 19/7, khi các nhà chức trách ở tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc mở các cống của đập Vương Gia Bá, nhằm bảo vệ các thành phố và khu vực đông dân hơn ở hạ lưu nhưng lại làm ngập nhiều diện tích đất nông nghiệp và buộc hàng nghìn cư dân nông thôn phải sơ tán ngay lập tức.
Theo Sixthtone, tại thị trấn Youdunjie, nằm trên con sông nhỏ ở phía nam sông Trường Giang đoạn chảy qua tỉnh Giang Tây, nước lũ đã tràn đến tầng hai của những ngôi nhà vào giữa tháng 7 sau khi tỉnh lân cận xả lũ.
Cư dân Youdunjie hầu như không có khả năng phòng vệ trước sự tấn công dữ dội của lũ, vì chính quyền địa phương thiếu cơ sở hạ tầng hoặc nguồn lực để điều hướng lũ khỏi làng.
Vào ngày 22/7, Reuters đưa tin một con đập 55 năm tuổi đã bị sập ở tỉnh Quảng Tây, khiến các cộng đồng ở hạ du đối diện nguy cơ bị ngập.
Bà Li ước tính rằng trận lụt năm 2020 đã làm ngập hơn 51.900 km2 đất nông nghiệp của Trung Quốc. Trận lụt năm 2016 bao phủ gần như cùng diện tích đất nông nghiệp, trong khi năm trận lụt năm 1998 nhấn chìm hơn 207.000 km2 đất nông nghiệp.
Darin Friedrichs, nhà phân tích hàng hóa tại StoneX Group ở Thượng Hải, nói rằng giá rau và thịt lợn ở Trung Quốc tăng cao vào giữa và cuối tháng 7 do hậu quả của lũ lụt. Thủy sản có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng như lúa gạo, cây trồng phổ biến nhất trong vùng.
Một số loại cây trồng như cải dầu và lúa mì được “thu hoạch trước khi lũ lụt trở nên tồi tệ”, ông Friedrichs nói. Nhìn chung, thị trường chưa có vẻ “quá lo lắng” về tình trạng thiếu hụt do lũ lụt gây ra.
Tuy nhiên, những người nông dân có xu hướng trồng những loại cây này là một nỗi lo.
Tai họa báo trước?
Bà Turner cho biết hàng trăm nghìn người trong số họ đã phải sơ tán vì lũ lụt và đối mặt với những trở ngại to lớn trong việc phục hồi sau thiên tai.
“Không có tiêu chuẩn thống nhất về giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt cũng như các giải pháp dựa vào thiên nhiên ở các vùng nông thôn [của Trung Quốc]”, bà Turner nói.
Để đối phó với những trận lũ lụt trước đây, bà Turner cho biết, chính phủ trung ương đã khởi động chương trình “thành phố bọt biển” vào năm 2015, trong đó yêu cầu các trung tâm đô thị tạo ra các vùng đất ngập nước, vườn mưa và những nơi dễ rút nước khác để hấp thụ nước mưa dư thừa.
Những chính sách như vậy vẫn chưa được thực hiện ở các vùng nông thôn, khiến các thành phố nhỏ hơn, làng mạc và đất nông nghiệp phải hy sinh nếu nước dâng ở sông Trường Giang.
Thiên tai hiện tại là kết quả của một “cơn bão hoàn hảo” kết hợp giữa biến đổi khí hậu và hành động của con người, bà Turner nói.
Judith Shapiro, giáo sư chính trị môi trường tại Đại học Mỹ, cho biết sự gia tăng mưa lớn do biến đổi khí hậu đang là phép thử với chiến lược xây đập của Trung Quốc. Người ta lo lắng rằng các đập nhỏ bị sập trong mùa mưa này báo trước tai họa không ai muốn nghĩ tới, nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp.
Con đập, niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc, cho đến nay đã vượt qua thiên tai năm nay, nhưng những nguy cơ mà nó cho thấy có nghĩa là Bắc Kinh có thể cần phải xem xét lại chiến lược của mình.
“Ngay cả đập Tam Hiệp cũng không được xây dựng đủ mạnh để chúng tôi có thể chắc chắn rằng nó sẽ chịu được lũ lụt mà Trung Quốc chứng kiến trong những tuần gần đây”, bà Shapiro nói. “Nếu con đập bị vỡ, đó sẽ là một thảm họa đại hồng thủy”.