Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) vừa công bố báo cáo về phát thải khí nhà kính lần thứ tư.
Theo dự báo, đến năm 2050, lượng phát thải khí nhà kính của hoạt động vận tải biển sẽ tăng lên tới 50% so với năm 2018, bất chấp các biện pháp hiệu quả năng lượng được áp dụng do nhu cầu vận tải dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Báo cáo này sẽ được đệ trình lên Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của IMO để xem xét và phê duyệt. Phát hiện then chốt của báo cáo chỉ ra rằng, lượng phát thải khí nhà kính của ngành vận tải biển (quốc tế, nội địa và đánh bắt cá) đã tăng gần 9,6% trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018 (từ 977 triệu tấn lên 1.076 triệu tấn). Chỉ tính riêng phát thải khí CO2 đã tăng từ 962 triệu tấn lên 1.056 triệu.
Xét tỷ lệ phát thải của ngành vận tải biển trong tổng phát thải toàn cầu có mức tăng nhẹ từ 2,76% năm 2012 lên 2,89% năm 2018.
Nhóm tác giả từ các viện nghiên cứu và trường đại học uy tín cũng dự báo lượng phát thải của hoạt động vận tải biển vào năm 2050 sẽ tăng 50% so với năm 2018 do nhu cầu vận tải dự kiến sẽ tiếp tục tăng. “Báo cáo sẽ cung cấp cho IMO cơ sở thực tế cho các cuộc đàm phán về các biện pháp giải quyết phát thải khí nhà kính do vận tải biển”, ông Jasper Faber, giám đốc dự án làm việc tại Tổ chức CE Delft, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.
Lần đâu tiên, IMO sử dụng phương pháp tiếp cận hoàn toàn phù hợp với Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC ) để ước tính lượng phát thải của vận tải biển quốc tế. Nghiên cứu này cũng đã nâng cao đáng kể độ chính xác của các ước tính dựa trên hệ thống nhận dạng tự động cho tàu bất kỳ; xác nhận chi tiết về mức tiêu thụ nhiên liệu và các thông số đã được báo cáo trong Hệ thống giám sát, bảo cáo và thẩm tra phát thải khí nhà kính tàu biển của Liên minh châu Âu (EU MRV)cho hơn 9.000 tàu.
Nghiên cứu cũng xem xét một lĩnh vực quan trọng khác là cường độ các-bon trong vận tải biển. Số liệu này được báo cáo là đã cải thiện khoảng 11%, nhưng theo nghiên cứu, sự tăng trưởng trong hoạt động lớn hơn hiệu quả đạt được. Ông Shuang Zhang thuộc Đại học Hàng hải Đại Liên, Trưởng bộ phận nghiên cứu về cường độ các-bon nhận định: Phần lớn trong kết quả cải thiện trên đã đạt được từ trước năm 2012. Tốc độ giảm cường độ các-bon đã chậm lại kể từ năm 2015. Điều này cho thấy, con đường hướng tới vận tải biển quốc tế các-bon thấp vẫn còn nhiều thách thức.
Báo cáo cũng chỉ ra những tác động của muội than đến khí hậu và sức khỏe con người. Được biết đến như một chất siêu ô nhiễm, dữ liệu cho thấy, lượng phát thải muội than tăng 12% cũng như lượng phát thải mêtan tăng hơn 150%. Tổng lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sử dụng trong vận tải biển quốc tế tăng chưa đến 1/3. Giải thích cho sự khác biệt về tỷ lệ tăng trưởng tiêu thụ nhiên liệu và phát thải mê-tan là do có liên quan đến sự thay đổi kết hợp các máy móc được sử dụng cho toàn bộ đội tàu trong giai đoạn này.
Trong tương lai, báo cáo đưa ra một loạt các kịch bản kinh tế và năng lượng dài hạn. Lấy mốc năm 2008, dự báo, lượng phát thải sẽ tăng từ khoảng 90% năm 2018 lên 90 – 130% vào năm 2050. Các chuyên gia kỳ vọng lượng phát thải từ vận tải biển trong năm 2020 và năm 2021 sẽ thấp hơn đáng kể do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng lưu ý tùy thuộc vào quỹ đạo phục hồi, tác động tổng thể của Covid-19 có thể sẽ nhỏ hơn phạm vi không chắc chắn của các kịch bản được đưa ra.