Nhật Bản đang đối mặt nguy cơ nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải quanh quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông và cảnh báo quân đội sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động xâm phạm nào.
Nếu Bắc Kinh cho phép và khuyến khích tàu cá hoạt động gần quần đảo trên, đây được xem là hành động leo thang trong cuộc tranh chấp về chủ quyền quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư này.
Theo tờ Sankei (Nhật Bản), cảnh báo trên được đưa ra sau khi Bắc Kinh thông báo với Tokyo rằng lệnh cấm tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển Hoa Đông sẽ hết hiệu lực vào ngày 16-8.
Bắc Kinh cũng nhấn mạnh Tokyo không có quyền cấm tàu cá Trung Quốc hoạt động quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong động thái tăng sức ép lên Tokyo, tàu hải cảnh Trung Quốc gần đây đã hiện diện liên tiếp 111 ngày tại vùng biển gần quần đảo trên trước khi rời đi hôm 2-8 để tránh bão.
Khi lệnh cấm tương tự được Bắc Kinh dỡ bỏ vào năm 2016, 72 tàu cá cùng với 28 tàu của chính phủ Trung Quốc đã hoạt động trong vùng lãnh hải quanh Senkaku/Điếu Ngư trong 4 ngày mà không gặp phản ứng gì từ Tokyo. Lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cảnh báo các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã sẵn sàng ứng phó nhưng không nói rõ SDF sẽ làm gì.
Ông Garren Mulloy, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Daito Bunkyo (Nhật Bản), cho rằng Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF) sẽ sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối đầu nào nhưng vẫn giữ nguyên khoảng cách 180 km với các tàu Trung Quốc như trước đây để tránh đối đầu trực diện. Cùng với đó, MSDF có thể điều máy bay tuần tra tiên tiến để theo dõi cả tàu nổi và tàu ngầm của đối phương hoạt động trong khu vực nhằm đưa ra cảnh báo sớm cho các đơn vị trên biển của Nhật Bản.
Trong khi đó, ông Akitoshi Miyashita, chuyên gia tại Trường ĐH Quốc tế Tokyo (Nhật Bản), đánh giá Nhật Bản dù vẫn có thể giám sát mọi vụ xâm nhập của tàu nước ngoài nhưng khả năng buộc các tàu này rời khỏi lãnh hải mình vẫn còn hạn chế. Do đó, theo ông Miyashita, Tokyo cần có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh về vấn đề này.