Cục Lâm nghiệp Myanmar cho rằng hợp pháp hóa nuôi thương mại loài quý hiếm sẽ hạn chế săn trộm và hỗ trợ các quần thể động vật phát triển nhưng giới bảo tồn cho rằng động thái này sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã.
Tên anh là Ko Aung nhưng người ở Taungoo gọi anh là “Người Gấu”.
Người chủ quán karaoke KTV chừng 50 tuổi này luôn yêu quý 12 cá thể gấu như con. Sáu cá thể cao chừng 2,1 m trong khi cá thể còn lại cao tới 2,4 m. “Con gấu to nhất ở Myanmar”, Ko Aung khoe, như một người cha tự hào về các con mình.
Tối muộn ngày 1/7, anh đưa đàn gấu ngựa và gấu chó lên xe tải để chở đi vòng quanh Taungoo (thành phố ở phía bắc vùng Bago) trước khi chúng rời xa anh.
“Đã đến lúc tạm biệt”, anh nói.
Nhấp nhổm phía sau là đàn gấu anh đã nuôi 5 năm, ban đầu là trong một chiếc lồng ở sảnh KTV và sau đó là trong một chiếc chuồng lớn hơn được ngăn riêng cho gấu con và gấu trưởng thành trong khuôn viên nhà hàng của một người bạn.
Câu chuyện của anh vốn là điều kỳ quặc với người dân địa phương nhưng mãi đến tháng 6, anh mới được Sở Lâm nghiệp Taungoo chú ý và yêu cầu anh thả đàn gấu về tự nhiên.
U Maung Maung Naing, Phó giám đốc Sở Lâm nghiệp Taungoo cho biết chính phủ đã chỉ đạo chính quyền địa phương khắp nước đảm bảo chủ sở hữu động vật hoang dã phải đăng ký với Sở rồi mới cấp phép cho chủ sở hữu giữ động vật hoặc từ bỏ chúng.
Mặc dù thời hạn chót chưa được đặt ra nhưng “tất cả những ai nuôi động vật hoang dã đều phải đăng ký với chính quyền”, Maung Maung Naing khẳng định.
“Nếu sau khi xem xét mà Sở cấm họ giữ động vật, họ không có quyền giữ chúng”.
Mặc dù thời kỳ sở hữu động vật hoang dã có thể sắp kết thúc, một kỷ nguyên mới và gây tranh cãi hơn cũng đang bắt đầu, trong đó các loài nguy cấp được nhân nuôi để thu hút du khách, và thậm chí để lấy thịt và da.
Thiên đường buôn lậu
Bề ngoài, động thái hạn chế quyền sở hữu động vật hoang dã có thể hỗ trợ các nỗ lực dẹp bỏ nạn buôn lậu động vật hoang dã. Myanmar không chỉ là tuyến đường trung chuyển quan trọng cho các sản phẩm động vật hoang dã mà còn là quốc gia nguồn của động vật bị buôn bán, gần như tất cả được chuyển tới Trung Quốc.
Thoạt nhìn cũng thấy quy mô buôn lậu qua tình trạng bày bán trắng trợn hổ cốt và vảy tê tê tại Mong La, khu vực giáp biên với Trung Quốc, hoặc vụ chính quyền Myanmar tịch thu 1,4 tấn ngà voi, sừng linh dương, xương hổ… năm 2018.
Báo cáo Tội phạm Động vật hoang dã Thế giới năm 2020 do UNODC phát hành nhận định Myanmar là điểm nóng về buôn bán các bộ phận hổ do tỷ lệ bắt giữ cao ở biên giới với Ấn Độ, Lào và Trung Quốc. Trong những năm gần đây, số lượng lớn voi ở Myanmar cũng bị săn trộm lấy da để đáp ứng nhu cầu làm đồ trang sức và làm thuốc ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, các vụ bắt giữ những kẻ buôn lậu động vật hoang dã tương đối thấp. Chỉ 68 vụ năm 2018, 40 vụ năm 2019 và 14 vụ trong năm nay – theo thông tin từ Phòng Bảo tồn Thiên nhiên và Động vật hoang dã thuộc Cục Lâm nghiệp.
Buôn lậu động vật hoang dã trở thành tâm điểm chú ý sau khi việc bán và tiêu thụ tê tê – động vật có vú hoang dã bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới – có liên quan đến đại dịch COVID-19. Có ý kiến cho rằng tê tê là nguồn gốc của đại dịch.
Dù bằng cách nào, việc khai thác động vật hoang dã cũng làm tăng khả năng một loại virus khác lây sang người. Báo cáo của UNODC cảnh báo các bệnh từ động vật chiếm 75% tổng số ca nhiễm mới trên thế giới.
Tuy nhiên, cùng lúc xiết chặt quan điểm về quyền sở hữu động vật hoang dã, chính phủ Myanmar cho phép hợp pháp hóa việc buôn bán động vật hoang dã quý hiếm theo mục 22 (a) của Luật Bảo vệ đa dạng sinh học và khu bảo tồn năm 2018.
Điều khoản này đồng nghĩa với việc chính phủ bật đèn xanh cho nhân nuôi thương mại “động thực vật hoang dã cực kỳ nguy cấp”, và ngày 3/6, Bộ Tài nguyên và Bảo tồn Môi trường đã ban hành một danh sách các loài được chấp nhận qua văn bản được gọi là thông báo 690/2020. Danh sách bao gồm 89 loài động vật, bao gồm hổ – loài được cho là chỉ còn 22 cá thể hoang dã ở Myanmar và cá heo Irrawaddy cực kỳ nguy cấp. Báo, voi, gấu trúc đỏ và nhiều loài khỉ cũng nằm trong số 41 động vật có vú thuộc danh sách (có tên 43 loài chim kể cả loài kền kền quý hiếm).
Việc buôn bán cá heo, voi, hổ và một số động vật sẽ bị giới hạn để nuôi trong các vườn thú, khách sạn và khu nghỉ dưỡng nhưng những loài khác trong danh sách có thể được lấy thịt, da và tổ – có nghĩa là các nhà hàng sẽ sớm phục vụ món cà ri cá sấu Xiêm cực kỳ nguy cấp.
Danh sách đề cập đến các loài cụ thể, trong đó có “rắn” là loài có nội hàm rộng hơn cả với ít nhất 100 loài rắn bị đe dọa ở Myanmar bị đưa vào danh sách có thể nuôi nhốt, nâng tổng số loài có thể được nuôi thương mại tăng lên gần 200.
Bất cứ ai muốn sở hữu hoặc nhân nuôi động vật hoang dã sẽ phải đệ trình yêu cầu kèm thông tin chi tiết về các loài động vật đến Sở Lâm nghiệp, theo TS Naing Zaw Htun, Giám đốc Phòng Bảo tồn Thiên nhiên và Động vật hoang dã thuộc Cục Lâm nghiệp. Sau đó, Sở sẽ gửi yêu cầu tới Nay Pyi Taw để xem xét.
Thiếu chế tài buôn bán
Cục Lâm nghiệp lập luận rằng hợp pháp hóa việc nuôi động vật hoang dã sẽ ngăn cản nạn săn trộm các loài nguy cấp và cho phép chúng sinh sôi trong tự nhiên. Nhưng giới bảo tồn không thấy thuyết phục, phản bác rằng động thái này có khả năng làm tăng nhu cầu tổng thể đối với các sản phẩm động vật hoang dã, dẫn đến nạn săn trộm nhiều hơn và làm tăng nguy cơ lây lan các virus chết chóc sang người.
Trong một tuyên bố chung vào ngày 14/7, WWF và FFI cho rằng việc nhân nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã có thể làm “tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người, như COVID-19. Kinh nghiệm từ các quốc gia Đông Nam Á khác cho thấy nhân nuôi thương mại bất kỳ loài hoang dã nào cũng không có giá trị bảo tồn và cực kỳ khó chế tài. Buôn bán thương mại đã được chứng minh là làm tăng nạn buôn lậu động vật hoang dã do tạo ra một thị trường song song và thúc đẩy nhu cầu tổng thể đối với các sản phẩm động vật hoang dã”.
TS. Nay Myo Shwe, Quản lý Chương trình bảo tồn Tanintharyi thuộc FFI thúc giục chính phủ cung cấp thêm chi tiết về các kế hoạch nhân nuôi thương mại: “Cần rất nhiều chế tài và sự chuẩn bị. Chính phủ phải tuyên bố công khai nếu không mọi người sẽ nhầm lẫn”.
TS. Nay Myo Shwe nói thêm rằng sự phát triển sẽ thúc đẩy tổng thể quần thể động vật quý hiếm. Nhưng số lượng cao hơn không đảm bảo cho điều kiện sống tốt và động vật nuôi nhốt không có khả năng sống sót trong tự nhiên.
Tuy nhiên, không phải mọi tổ chức phi chính phủ đều phản đối động thái này.
TS Thein Aung, cựu phó giám đốc Cục Lâm nghiệp và đứng đầu Hiệp hội Chim và Thiên nhiên Myanmar cho biết “sắc lệnh này tạo ra giao dịch hợp pháp số lượng động vật nhiều hơn trong trang trại, qua đó có thể làm giảm giao dịch bất hợp pháp”.
Giới chức hy vọng sáng kiến mới có hiệu quả hơn một số thí điểm trước đây về nhân nuôi động vật hoang dã. Kế hoạch năm 1982 để xuất khẩu khỉ đuôi dài sang Nhật Bản và Trung Quốc phục vụ nghiên cứu y tế đã chìm xuống sau khi 2 nước từ chối 20 cá thể vì sức khỏe kém. Thay vào đó, khỉ đuôi dài được đưa vào VQG Hlawga thuộc vùng Yangon và quần thể bùng nổ thành hơn 2.000 cá thể, gây ra tình trạng thiếu thức ăn cho các động vật khác.
Năm 1963, Công ty People’s Pearl Pearl and Fisheries bắt đầu bắt cá sấu ở đồng bằng Ayeyarwady để xuất khẩu sống hoặc bán da để sản xuất xa xỉ phẩm bằng da.
Thị trường chợ đen xuất hiện song song và bất kỳ con cá sấu nào bị chính quyền thu giữ từ những kẻ buôn lậu bất hợp pháp đều được giữ trong khuôn viên Bộ Thương mại ở Yangon, và Tướng Ne Win cũng xây dựng một trang trại cá sấu ở quận Thaketa, phía đông Yangon.
Trang trại tồn tại như một điểm thu hút khách du lịch và cơ sở nghiên cứu quan trọng với hơn 500 cá thể cá sấu nhưng không xuất khẩu sản phẩm cá sấu vì không thể tuân thủ các quy định theo Công ước CITES.
Được biết, hiện có 20 doanh nghiệp tư nhân khắp Myanmar, chủ yếu là các khu nghỉ dưỡng và vườn thú được cấp phép nhân nuôi động vật hoang dã, mặc dù cho đến nay họ vẫn bị cấm buôn bán hoặc giết mổ lấy thịt.
Tới nay có 4.318 mẫu vật riêng lẻ được đăng ký, theo tin từ Phòng Bảo tồn Thiên nhiên và Động vật hoang dã. Nhưng chưa rõ liệu các cơ quan chức năng có xây dựng chế tài hợp lý tình trạng nuôi nhốt trong các doanh nghiệp tư nhân này hay không.
Tháng 2/2020, resort Sane Let Tin ở bang Mon – một trong những vườn thú tư nhân đầu tiên của Myanmar – trở thành trung tâm tranh cãi sau khi du khách nhìn thấy nhân viên resort đánh đập động vật và không cho chúng ăn.
Resort khai trương tại Kyaikto năm 2007 và đang nhân nuôi 48 loài, trong đó có báo, hổ và voi, sau đó hứa hẹn trong một bài đăng trên Facebook sẽ cải thiện điều kiện cho động vật.
Theo Luật Bảo tồn Đa dạng sinh học và Khu bảo tồn, người nuôi và chủ doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm đối với môi trường nuôi nhốt động vật; săn bắn lấy chiến lợi phẩm cũng có thể được cho phép nhưng cho đến nay chưa có ai xin giấy phép, Naing Zaw Htun thuộc Phòng Bảo tồn Thiên nhiên và Động vật hoang dã cho hay.
Thả vào tự nhiên?
Trở lại Taungoo, “Người Gấu” Ko Koung phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn.
Anh và những chủ động vật hoang dã khác được yêu cầu thả động vật về môi trường tự nhiên nhưng những sinh vật sống trong điều kiện nuôi nhốt hiếm khi học được các kỹ năng sinh tồn để sống sót trong tự nhiên, và chúng không sợ người nên càng dễ bị săn trộm.
Giới chức thừa nhận đây là một vấn đề nhưng tuyên bố họ không có lựa chọn nào khác ngoài thực hiện quy định mới.
TS. Thein Aung khuyến nghị chính phủ nên xây dựng một khu bảo tồn cho những động vật chủ sở hữu không được phép giữ lại hợp pháp. Khu bảo tồn này sẽ mang lại việc làm cho các bác sĩ thú y và chuyên gia động vật hoang dã cũng như điều kiện nuôi nhốt tốt hơn các vườn thú tư nhân.
Sau rốt, Ko Aung quyết định không thể bỏ đàn gấu tự xoay sở trong rừng.
Sau chuyến đi quanh Taungoo cuối cùng, anh đưa chúng đến một vườn thú tư nhân trong khuôn viên nhà hàng Pioneer trên xa lộ Yangon-Nay Pyi Taw. Theo Cục Lâm nghiệp, nơi này đang được xây dựng và chờ chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ có hơn 60 loài khi khai trương.
Trong khi đó, thí nghiệm nuôi nhốt của Myanmar được thế giới chú ý, dấy lên những dự báo đáng lo ngại về các trang trại hổ bị quên lãng sẽ thổi bùng lên nhu cầu vô độ để làm thuốc và động vật quý hiếm bị bắt để mua vui cho khách du lịch. Cả giới bảo tồn và buôn bán động vật hoang dã đều ngóng chờ kết quả.
Thế Anh (Theo Frontier Myanmar)