Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Sustainability, thuốc trừ sâu được sử dụng phổ biến tại Mỹ khiến chim chóc suy giảm với tốc độ đáng báo động, làm trầm trọng thêm xu hướng giảm đa dạng sinh học chim chóc trong 50 năm qua.
Ngoài phun thuốc trừ sâu, nông dân thường sử dụng hóa chất để bảo vệ hạt giống. Những loại thuốc trừ sâu này (được gọi là neonicotinoid hoặc neonic) ngăn ngừa côn trùng khi hạt nảy mầm và cả khi phát triển thành cây.
Sử dụng nhiều neonicotinoid đẩy các loài chim trên khắp nước Mỹ vào vòng nguy hiểm vì hóa chất đọng nhiều ở thân, mật và phấn hoa của các loại thực vật.
Madhu Khanna – Phó giám đốc phụ trách ngiêm cứu thuộc Viện Môi trường, Năng lượng và Phát triển bền vững (Đại học Illinois) và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết việc sử dụng thêm 100 kg thuốc trừ sâu bảo vệ hạt giống ở một quận của Hoa Kỳ có liên quan đến tỷ lệ giảm 2,2% số lượng chim ở vùng đồng cỏ trong khi thuốc trừ sâu không chứa neonicotinoid chỉ làm giảm 0,05%.
Khi chim ăn phải các loại hạt được phun thuốc trừ sâu hoặc ăn côn trùng thụ phấn cho cây có neonicotinoid, các loại hóa chất sẽ gây hại cho sự phát triển của chúng và dần dà, các hóa chất này sẽ giảm khả năng sinh sản của chim, thậm chí hóa chất có thể duy trì tác dụng trong nhiều năm về sau.
Neonicotinoid được nông dân sử dụng phổ biến vì không cần phải phun lại khi cây lớn. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây cho thấy thuốc trừ sâu làm suy giảm nghiêm trọng các loài thụ phấn như ong, bướm khiến EU ban hành lệnh cấm gần như mọi loại thuốc sâu chứa neonicotinoid.
Mùa hè năm ngoái, chính quyền tổng thống Trump bỏ hạn chế neonicotinoid và cho phép sử dụng một loại thuốc trừ sâu mới chứa chất này.
Mỹ và Canada mất 29% các loài chim kể từ năm 1970 do mở rộng đất trồng trọt và sử dụng thuốc trừ sâu.
Khanna cho rằng các quần thể chim sẽ còn giảm do biến đổi khí hậu đang tăng và làm thay đổi sinh cảnh hiện hữu.
Từ năm 2008 đến 2014, nhóm nghiên cứu ước tính mỗi năm các quần thể chim sống ở đồng cỏ, kể cả chim sẻ và cú giảm 4%, các loài chim ăn côn trùng giảm 3% do neonicotinoid.
Cùng thời điểm, hơn 1/2 các quận hạt ở Mỹ mất trên 10% chim sống ở đồng cỏ do sử dụng neonicotinoid.
Khanna cho hay môi trường sẽ bị ảnh hưởng từ tình trạng các quần thể chim mất đi.
“Bất cứ điều gì gây ảnh hưởng vượt ra ngoài loài mục tiêu đều đáng lo lắng”, Khanna phân tích. “Hệ sinh thái của chúng ta tích hợp với thiên nhiên, mất đi bất cứ phần nào cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tổng thể”.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng chim chóc ở vùng Trung Tây và vùng Đại Bình nguyên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do nông dân mở rộng đất trồng trọt và sử dụng hạt giống phủ thuốc sâu nhiều hơn. Các quần thể chim phát triển ở một số vùng tại Mỹ đều cách biệt với nông nghiệp, nổi bật là các bang Arizona, Nevada và Maine.
Thế Anh (Theo Guardian)