Sự cố hai lần liên tiếp xảy ra vỡ đập chắn chân hố lắng tại Mỏ khai thác quặng sắt núi 300 của Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức đóng trên địa bàn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vào ngày 4/8 vừa qua đã một lần nữa báo động về nguy cơ mất an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, sáng 4/8, hai đập chắn chân hố lắng tại khu vực khai thác của Mỏ khai thác quặng sắt núi 300, ở thôn 2 Núi Vì, xã Hưng Khánh và thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đã bị vỡ.
Tại đập chắn chân hố lắng bảo vệ môi trường của Mỏ khai thác quặng sắt núi 300 tại thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh, ngay sau khi phát hiện bị sạt lở, Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức đã tiến hành khắc phục bằng cách cho đào một đoạn rãnh phía bên phải thân đập để cho nước thoát xuống phía dưới. Chính quyền địa phương đã xác định sự cố và đánh giá mức độ tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại đối với người dân.
Sự cố xảy ra tại đập chắn hố lắng thuộc địa phận thôn 2 Núi Vì, xã Hưng Khánh gây thiệt hại nặng nề hơn, gần 5.000 m3 nước thải và bùn đất đã tràn xuống vùi lấp 1 ha đất hoa màu canh tác của 25 hộ dân ở thôn 2 Núi Vì và 300 m đường giao thông nông thôn. Trong đó, hai hộ dân sống sát chân mỏ bị nước, bùn đất tràn vào nhà làm hư hỏng nhiều đồ đạc…
Bà Lương Thị Hằng ở thôn 2 Núi Vì, xã Hưng Khánh cho biết, hôm xảy ra sự cố, trời mưa to, bà nghe thấy tiếng động mạnh, rồi bùn đất ở phía trên mỏ ầm ầm tràn xuống phía dưới. Nước cứ thế dâng lên và tràn vào gầm nhà sàn. Từ trên nhà nhìn xuống, bà thấy nước dâng ngập hết các vật dụng của gia đình để ở dưới gầm nhà như máy nổ, xe máy, hòm thóc lúa…
Nhìn ra ngoài sân, nước chảy cuồn cuộn kéo theo những đống củi to lù khiến đàn gà, vịt chạy tán loạn. Giàn mướp và hoa quả, cây cối ngoài vườn bị dòng nước cuốn phăng đi mất. Đống tài sản của gia đình bà cứ thế ngập dần và trôi theo dòng nước. Dù rất xót nhưng bà Hằng không dám xuống dưới để cứu vớt vì sợ đường điện có thể hở giật chết người.
Được biết, Mỏ khai thác quặng sắt núi 300 của Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác ngày 24/6/2011 với trữ lượng khai thác gần 10 triệu tấn. Nhà máy được khởi công xây dựng từ tháng 12/2012 với tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn trên 400 tỷ đồng, công suất chế biến 250.000 tấn tinh quặng sắt/năm với hàm lượng sắt trên 65%.
Trong trận mưa lũ xảy ra hồi tháng 7/2018, tại đây cũng đã xảy ra sự cố khi hàng chục m3 đất đá từ khu vực khai thác của Mỏ khai thác quặng sắt núi 300 đã tràn xuống vùi lấp nhiều diện tích lúa, ao cá của hàng chục hộ dân ở thôn Yên Ninh và thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh tạo thành cánh đồng hoang hóa, không thể canh tác được nữa.
Ông Trần Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh cho biết, trước đó vào ngày 22/7, xã thành lập một tổ công tác kiểm tra đập chắn hố lắng của Mỏ khai thác quặng sắt núi 300. Tổ công tác của xã xác định, đập chắn không đảm bảo an toàn khi có mưa lũ, nên đã có văn bản yêu cầu công ty tạm dừng đắp đập nhưng phía Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức vẫn tiếp tục thực hiện và có ký cam kết sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác không gây ảnh hưởng tới người dân. Tuy nhiên, Công ty không lường trước tình huống mưa quá lớn nên dẫn đến sự cố vỡ thân đập chắn.
Tại buổi làm việc giữa xã Hưng Khánh, đại diện Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức với các hộ dân vào chiều 6/8, xã đã yêu cầu Công ty phải hoàn thành việc rà soát thiệt hại của người dân trước ngày 15/8 và hoàn thành việc đền bù thiệt hại xong trước ngày 6/9/2020. Ngoài ra, chính quyền địa phương yêu cầu trong quá trình hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường; không để xảy ra sự cố gây thiệt hại đến môi trường sinh thái, tài sản, tính mạng của người dân.
Ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết, đối với sự cố vỡ đập chắn hố lắng tại khu vực khai thác của Mỏ khai thác quặng sắt núi 300, Sở đã yêu cầu Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức thực hiện ngay biện pháp khắc phục, không để nước và bùn đất từ hố lắng trên khu vực khai thác chảy tràn xuống và ảnh hưởng đến nhà ở, đất canh tác và đường giao thông của nhân dân trong khu vực. Công ty cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thống kê thiệt hại, bồi thường và hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng.
Ông Cường cho biết thêm, ngay từ đầu năm, Sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị khai thác mỏ, nhà máy thủy điện và các công ty thủy lợi cần chủ động đối phó với các tình huống mưa, bão, lũ, sạt lở đất; tăng cường kiểm tra, đánh giá khả năng phòng chống lũ của công trình và triển khai ngay các biện pháp bảo vệ. Đồng thời, các đơn vị đánh giá mức độ an toàn của các khu vực khai thác mỏ, các công trình hồ đập; chủ động biện pháp đảm bảo an toàn trong khai thác mỏ, chế biến khoáng sản, vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi…