Một con tàu mắc cạn đang làm tràn hàng nghìn tấn dầu ra bờ biển Mauritius, đảo quốc chủ yếu sống dựa vào du lịch. Tình hình đang trở nên nghiêm trọng khi tàu có nguy cơ gãy đôi.
Hơn 1.000 tấn dầu đã tràn ra từ tàu chở hàng MV Wakashio ở bờ biển đông nam Mauritius, làm vấy bẩn các rạn san hô, bãi cát trắng và vùng đầm phá nguyên sơ vốn thu hút du khách từ khắp nơi trên toàn cầu, theo AFP. (Ảnh: AFP)
Song con tàu vẫn còn khoảng 2.500 tấn dầu và tình hình đang trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết khi tàu có nguy cơ bị gãy làm đôi. (Ảnh: AFP)
“Vết nứt đang lớn dần. Tình hình đang ngày càng xấu đi”, Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth nói với các phóng viên hôm 9/8. “Nguy cơ tàu gãy làm đôi vẫn hiện diện”. (Ảnh: AFP)
MV Wakashio, tàu mang cờ Panama thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản, đã mắc cạn ở một rạn san hô từ ngày 25/7 nhưng chỉ mới bắt đầu rò rỉ dầu từ tuần trước. (Ảnh: AP)
Các chuyên gia cảnh báo nếu vết nứt rộng thêm, vụ tràn dầu có thể còn hơn cả thảm họa đối với hệ sinh thái bờ biển vốn dĩ mong manh mà nền kinh tế đảo quốc Mauritius dựa vào. (Ảnh: AFP)
Nhật Bản hôm 9/8 cho hay họ sẽ cử 6 chuyên gia đến hỗ trợ xử lý vụ tràn dầu. Mitsui OSK Lines, công ty vận hành tàu, hôm 9/8 đưa ra lời xin lỗi và cam kết sẽ “nỗ lực hết sức để giải quyết vụ việc”. (Ảnh: AFP)
Thủ tướng Mauritius, ông Pravind Jugnauth đã ban bố “tình trạng khẩn cấp môi trường” vào đêm 7/8 khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy vệt đen loang rộng trong vùng nước xanh lam gần những khu vực môi trường được chính phủ đánh giá là “rất nhạy cảm”. Ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường vì tràn dầu là điều chưa từng xảy ra tại đảo quốc nằm ở Ấn Độ Dương, cách bờ biển đông nam châu Phi khoảng 2.000 km. (Ảnh: Maxar/AP)
Mauritius và 1,3 triệu dân phụ thuộc lớn vào biển về kinh tế, chủ yếu là du lịch sinh thái. Đảo quốc đã nổi lên như câu chuyện thành công về bảo tồn thiên thiên và là điểm đến hàng đầu thế giới cho những người yêu biển. (Ảnh: AFP)
Pháp cũng điều một tàu hải quân, một máy bay quân sự và đội ngũ cố vấn kỹ thuật từ đảo Reunion, lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp nằm gần Mauritius. Trong ảnh là trực thăng của Pháp đang bay trên con tàu mắc cạn.
“Tôi nghĩ đã quá muộn. Nếu con tàu bị gãy làm đôi, tình hình sẽ không thể kiểm soát được”, Vassen Kauppaymuthoo, nhà hải dương học, kỹ sư môi trường, nói với AFP. “Chúng ta đang nói về một thảm họa lớn đang diễn ra và phức tạp hơn từng giờ”. Trong ảnh, đội ngũ thu gom dầu tràn làm việc. (Ảnh: AFP)
Áp lực đang gia tăng với chính phủ trong việc giải thích tại sao họ không làm gì nhiều hơn trong hai tuần kể từ khi con tàu mắc cạn. Phe đối lập đã kêu gọi bộ trưởng các bộ môi trường và thủy sản từ chức. (Ảnh: AFP)
Song một số người lo sợ thảm họa đã xảy ra. Một vùng biển rộng lớn với làn nước trong xanh đã hóa thành màu đen. Lớp dầu dày phủ lấy những cánh rừng ngập mặn và các vịnh nhỏ dọc theo bờ biển. (Ảnh: AFP)