Các nhà khoa học Hà Lan hồi tháng 3-2020 chỉ ra rằng, nước thải là một chỉ dấu về sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 sớm hơn so với xét nghiệm trên bệnh nhân. Vì thế, giám sát nước thải là một trong số các chiến lược được nhiều nước trên thế giới đang áp dụng để xác định điểm nóng và ổ dịch trước khi số ca nhiễm Covid-19 vượt khỏi tầm kiểm soát.
Con người có thể truyền virus SARS-CoV-2 trước khi phát triển các triệu chứng. Phương pháp chủ đạo vẫn là xét nghiệm, cách ly người nhiễm bệnh và truy tìm các liên hệ của họ. Tuy nhiên, đại dịch lần này quay lại ở những nơi đã qua nhiều tháng không ghi nhận ca nhiễm mới, buộc các chính phủ phải áp đặt hạn chế làm tê liệt kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống xã hội một lần nữa.
Ông Peter Collignon, Giáo sư y học lâm sàng tại Đại học Y khoa quốc gia Australia ở Canberra cho biết, virus có tính “tàng hình” nên việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm càng có ý nghĩa quan trọng.
Giám sát nước thải
Giám sát nước thải là một cách hữu ích để tìm ra mầm bệnh trước khi nó được xác định trong cộng đồng. Thông thường, người nhiễm Covid-19 sẽ có virus SARS-CoV-2 trong giọt bắn qua đường hô hấp cũng như trong nước tiểu và phân của họ, đôi khi trong thời gian ủ bệnh và ngay cả sau khi xét nghiệm mũi và họng không còn dương tính với virus.
“Nếu bạn nghĩ rằng trong cộng đồng không có Covid-19, nhưng lại tìm thấy virus trong nước thải thì chắc chắn nó đang ở đâu đó”, Dale A. Fisher, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore và là Chủ tịch của Mạng lưới phản ứng và cảnh báo về dịch bệnh toàn cầu của Singapore cho biết.
Bên cạnh đó, nếu đây là một giải pháp để cảnh báo sớm thì nó càng có ý nghĩa quan trọng bởi đại dịch Covid-19 đã bùng phát được 8 tháng. Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt đang tỏ ra khó thực thi hơn ở một số nơi, đặc biệt là ở giới trẻ và những người không có tiền nếu họ bị bệnh hoặc bị cách ly.
Vũ Hán, thành phố đầu tiên ở Trung Quốc khởi phát dịch Covid-19 vào tháng 12-2019, đang thường xuyên kiểm tra nước thải và các mẫu môi trường từ các bệnh viện, chợ và trung tâm mua sắm. Còn tại Singapore, số ca nhiễm Covid-19 bùng phát trong số những người lao động nhập cư là hậu quả của việc mất cảnh giác. Nước này đã bắt đầu một chương trình thí điểm để giám sát nước thải vào tháng 4-2020, tập trung vào các ký túc xá công nhân, lực lượng khiến số ca nhiễm ở Singapore đã bị đẩy lên vượt 52.000 ca.
“Phát hiện virus SARS-CoV-2 trong nước thải có thể đóng vai trò là một hệ thống cảnh báo sớm và là tác nhân để các nhà chức trách bắt đầu gia tăng các hạn chế dịch chuyển của cư dân. Rất nhiều dữ liệu cho thấy nó có thể dự báo mức gia tăng của các ca bệnh”, Giáo sư Peter Collignon nói. Ông Peter Collignon cho rằng, đây là một phép đo sức khỏe cộng đồng thiết yếu cần được thực hiện liên tục và cập nhật kết quả từng ngày. Quan trọng là phải có hành động dựa trên kết quả đó chứ không nên chỉ coi đó là một dự án nghiên cứu.
Các phương pháp chuyên biệt khác
Trong khi đó, các quốc gia từ Australia đến Tây Ban Nha đang vật lộn để nắm bắt làn sóng mới của đại dịch, bởi vậy các nhà khoa học và các quan chức y tế đang tìm kiếm các công cụ bổ sung, bao gồm chó và máy bay không người lái, để “săn lùng” virus nguy hiểm.
Cụ thể, các đội ở Đức, Anh, Pháp, Phần Lan và Australia đang huấn luyện chó để phát hiện người nhiễm Covid-19. Loại động vật này có khứu giác siêu nhạy cảm có thể phát hiện sự thay đổi trao đổi chất trong cơ thể bệnh nhân Covid-19 mà chính họ không nhận thấy. Những chú chó được huấn luyện có thể phát huy khả năng sàng lọc tức thời và đáng tin cậy tại các sân bay, bệnh viện và khu vực cách ly.
Cùng với đó, các nhà khoa học tại Đại học Adelaide, Nam Australia đang nghiên cứu về máy bay không người lái có hệ thống cảm biến và camera chuyên dụng để phát hiện những người có dấu hiệu viên đường hô hấp trong đám đông. Chúng có thể được sử dụng trong văn phòng, sân bay, tàu du lịch, cơ sở tụ tập đông người.
Ở Hàn Quốc, các quan chức y tế Seoul đã dựa vào đội ngũ ưu tú là nhà dịch tễ học, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và chuyên gia cơ sở dữ liệu để sớm xác định người nhiễm bệnh nhằm hạn chế lây lan. Thời gian cần thiết để truy vết người nhiễm bệnh từ 1 ngày nay đã giảm xuống còn 10 phút. Phản ứng “siêu nhanh” đó nhờ dựa vào một loạt dữ liệu từ nhà mạng di động, tổ chức phát hành thẻ tín dụng, camera giám sát và gần đây là hệ thống đăng ký mã QR được cài đặt tại các địa điểm giải trí để xác định các mối liên hệ tiềm năng.
Trong khi thế giới đang hồi hộp chờ đợi vaccine an toàn và hiệu quả, sự kết hợp giữa theo dõi tích cực và can thiệp sớm chắc chắn là giải pháp tốt để kiểm soát đại dịch.
“Phát hiện virus SARS-CoV-2 trong nước thải có thể đóng vai trò là một hệ thống cảnh báo sớm và là tác nhân để các nhà chức trách bắt đầu gia tăng các hạn chế dịch chuyển của cư dân. Rất nhiều dữ liệu cho thấy nó có thể dự báo mức gia tăng của các ca bệnh”
Peter Collignon (Giáo sư y học lâm sàng tại Đại học Y khoa Quốc gia Australia ở Canberra) |