Khác với nhiều người, ông Đào Văn Tạo thành công nhờ trồng rừng thành từng đợt, từng khoảnh bao quanh diện tích đất dự trù làm nông nghiệp, để tận dụng cây rừng chắn gió và tạo độ ẩm
Nằm trên địa bàn xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), trang trại có tên FARA Farm là kết quả bước đầu sau gần 30 năm theo đuổi nghiệp trồng rừng để sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững của cha con ông Đào Văn Tạo. Đây là mô hình trồng rừng mới trên vùng đất khô hạn phía Nam tỉnh Ninh Thuận.
Rừng neem dần khép tán
Từ quê lúa Thái Bình, số phận đưa đẩy ông Đào Văn Tạo vào Nam và dừng chân tại vùng đất nổi tiếng khô cằn nhất cả nước là Phan Rang (Ninh Thuận). Sống trên vùng đất “gió như phang, nắng như rang”, ông luôn ước mơ có một cuộc sống điền viên với ruộng vườn, ao cá… Và ước mơ đó của ông cuối cùng cũng dần trở thành hiện thực.
Năm 1992, ông Tạo được nhà nước giao 40 ha đất rừng theo Chương trình trồng rừng cải tạo đồi núi trọc tại xã Nhị Hà. Đây là vùng đất bán hoang mạc khô cằn sỏi đá, cây cối thưa thớt, nắng nóng quanh năm. Cũng như nhiều người thời đó, để cải tạo vùng đồi núi trọc, cằn cỗi vào loại nhất nước này, ông Tạo đã bắt đầu từ việc dày công trồng hàng ngàn cây bạch đàn và keo lá tràm. Thế nhưng, do điều kiện thổ nhưỡng nghèo nàn, khí hậu khắc nghiệt, nhất là thiếu nước nên rừng cây chết dần, chết mòn, số còn lại cũng không phát triển nổi. Hàng chục ha rừng trồng của ông Tạo gầy guộc, khô queo mỗi khi mùa nắng về.
Năm 2012, nhận thấy cây neem (còn gọi là xoan chịu hạn) do giáo sư Lâm Công Định đưa về Việt Nam trồng tại vùng cát cháy ven biển Ninh Thuận xanh tốt, ông Tạo nghĩ chỉ có cây trồng này mới có thể trụ nổi trên vùng đất khô cằn của gia đình. Vì vậy, ông quyết định thay thế toàn bộ 10 ha cây bạch đàn bằng cây neem. Quả đúng như mơ ước của ông, rừng neem của gia đình đã dần khép tán, tạo độ ẩm và mạch nước ngầm giúp ông đào ao tích nước.
Chúng tôi thăm rừng neem của gia đình ông. Giữa nắng hạn nhưng cây vẫn xanh tươi, mát mẻ. Nhiều cây thân đã to bằng cả người ôm, tán rộng chục sải tay, che phủ một khoảng trời. Ông Tạo phấn khởi, chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình tôi phải cố gắng lắm mới có được rừng neem này. Như các anh thấy, đất ở đây khô cằn, đá sỏi đến cây bụi cũng khó sống. Trước đây, cây bạch đàn và cây keo không phát triển nổi. May cây neem chịu hạn mới trụ được. Tuy nhiên, cây neem không phải là mục tiêu của tôi, đó chỉ là bước đệm để tôi tiếp tục cải tạo môi trường sinh thái tiến tới trồng cây ăn trái, chăn nuôi và trồng cây lấy gỗ có giá trị kinh tế cao”.
Khôi phục hệ sinh thái
Gắn bó và trăn trở với vùng đất khô hạn mấy chục năm qua, hơn ai hết ông Tạo hiểu rõ: Muốn sản xuất và chăn nuôi hiệu quả trên vùng đất khô hạn thì trước hết phải trồng rừng để khôi phục hệ sinh thái, tạo độ ẩm và mạch nước ngầm trong lòng đất. Nghĩ vậy, ông quyết định xoay xở nguồn vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng để mua cây giống, thuê nhân công từng bước trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Khác với nhiều người, ông Tạo không triển khai trồng rừng cùng một lúc mà trồng từng đợt, từng khoảnh bao quanh diện tích đất dự trù làm nông nghiệp, với ý tưởng cây rừng sẽ che chắn gió và tạo độ ẩm cho cây nông nghiệp. Ngoài cây neem chịu hạn, ông Tạo còn trồng các loại cây lấy gỗ, như: Gõ, bằng lăng, phượng… Để cây trồng đạt tỉ lệ sống cao, ông đầu tư đào ao tích nước và lắp hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt đến từng gốc cây mới trồng. Qua hệ thống này, cây được tưới thường xuyên cho đến lúc bén rễ xanh tốt thì hệ thống nước tưới được chuyển qua khoảnh rừng trồng khác. Với cách trồng như vậy, hầu hết diện tích rừng trồng của ông có tỉ lệ cây sống đạt trên 90%. Đến nay, gia đình ông đã phủ xanh được 20 ha và việc trồng rừng được tiếp tục mở rộng.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Đào Thái Hà, con ông Tạo, bộc bạch: “Sản xuất nông nghiệp trên vùng đất khô cằn này là rất khó, bởi đất đai bạc màu và thiếu nước tưới. Tuy nhiên, với ước mơ xây dựng một trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, cha tôi đã dày công trồng rừng để cải tạo môi trường sinh thái suốt gần 30 năm qua. Ý tưởng của gia đình là tái tạo môi trường tự nhiên, để cho cây cỏ phát triển nhằm che phủ, tạo độ ẩm cho mặt đất, hạn chế độ bay hơi, tạo mạch nước ngầm trong lòng đất. Bên cạnh đó, môi trường tự nhiên cũng sẽ thu hút côn trùng đến cộng sinh phát triển, tạo thiên địch giúp hạn chế sâu bọ trong sản xuất nông nghiệp”.
Cùng với trồng rừng, gia đình ông Tạo đang phát triển vườn cây ăn trái với các loại cây như xoài, chuối, mít, sầu riêng. Nhờ được rừng neem bao quanh và hưởng nước tưới từ các ao đào nên vườn cây ăn trái luôn xanh tốt, cả trong mùa nắng hạn. Điều thấy rõ nhất là nhờ có cây xanh mà khí hậu cục bộ trong khu rừng trồng của gia đình ông Tạo được cải thiện đáng kể. Dù đang giữa mùa khô hạn nhưng trang trại FARA Farm vẫn mát mẻ nhờ cây rừng khép tán.
Tạo nguồn lực để tái đầu tư
Ông Lê Văn Phúc (ngụ thôn Nhị Hà 3, xã Nhị Hà) hồ hởi: “Do rừng nguyên sinh bị chặt phá nên trước đây ở khu vực này, khí hậu rất khắc nghiệt, nhiệt độ có lúc lên 38-39 độ C. Nay nhờ có rừng neem, môi trường được tái tạo, khí hậu mát mẻ hơn. Bà con ở đây thấy rõ điều này và mong muốn cùng nhau bảo vệ để rừng được tái sinh”. Trồng rừng để tái tạo môi trường tự nhiên, làm cơ sở phát triển sản xuất và chăn nuôi bền vững là mục tiêu mà trang trại FARA Farm đang hướng đến.
Hiện nay, cha con ông Tạo tiếp tục đầu tư phủ xanh 20 ha đất trống đồi trọc còn lại bằng các loại cây lấy gỗ; đồng thời đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao. Anh Đào Thái Hà cho biết anh và người bạn là Phạm Võ Uyên Bác đã đầu tư trong khu rừng trồng của gia đình 1.500 m2 dưa lưới áp dụng công nghệ cao nhằm tạo nguồn lực để tái đầu tư cho công tác trồng rừng. Dưa được trồng trong nhà lưới với công nghệ bón phân, tưới nước nhỏ giọt tiết kiệm theo một quy trình rất khoa học. Khi chúng tôi đến thăm, vườn dưa bắt đầu cho thu hoạch với năng suất khá cao.
Chia sẻ niềm vui, anh Đào Thái Hà bộc bạch: “Do trồng ở vùng khí hậu nắng nóng nên dưa lưới có hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Tuy chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao, quy trình trồng đòi hỏi chặt chẽ nhưng bù lại là giá trị sản phẩm cao, đầu ra có sẵn nên rất tiềm năng. Một vụ sản xuất dưa lưới khoảng 60-70 ngày nên mỗi năm có thể sản xuất 4 vụ. Mỗi sào dưa lưới cho sản lượng bình quân 3,5 tấn trái. Với giá bán từ 30.000 – 40.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư, có thể lãi gần 300 triệu đồng/vụ. Trang trại dự định sẽ mở rộng diện tích dưa lưới thêm 1.000 m2 trong thời gian tới nhằm cung cấp cho thị trường phía Nam.
Mở rộng các mô hình Thấu hiểu ước mơ của người cha, hiện anh Đào Thái Hà tiếp tục trồng rừng theo hướng kết hợp sản xuất nông nghiệp bền vững. Anh dự tính khoảng 3 năm nữa, khi rừng cây lấy gỗ khép tán, FARA Farm sẽ trồng cây dược liệu dưới tán rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, trang trại sẽ mở rộng các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao kết hợp với phát triển vườn cây ăn trái, tạo nên một vườn rừng xanh tươi, trù phú, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và môi trường sinh thái cho vùng đất khô hạn. |