Một số nghiên cứu dự báo nếu nước biển dâng cao thêm 1m, khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn; khoảng 85% người dân vùng ĐBSCL cần được hỗ trợ về nông nghiệp.
Năm 2025, 35% dân số thế giới thiếu nước nghiêm trọng
Trên thế giới, nhu cầu sử dụng nước đã vượt cung ở một vài nơi. Trong khi dân số thế giới vẫn đang tiếp tục tăng làm cho nhu cầu nước càng tăng. Sự nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước cho nhu cầu sinh thái chỉ mới được lên tiếng gần đây.
Trong suốt thế kỷ 20, hơn một nửa các vùng đất ngập nước trên thế giới đã bị biến mất. Các hệ sinh thái nước ngọt mang đậm tính đa dạng sinh học hiện đang suy giảm nhanh hơn các hệ sinh thái biển và đất liền.
Theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu về tài nguyên nước, hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến năm 2025 con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.
Ở một số quốc gia, lượng nước cho mỗi đầu người đang bị giảm đáng kể. Hội nghị về nước của Liên hợp quốc vào năm 1997 đã thống nhất: “Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị kinh tế, xã hội đều có quyền được tiếp cận nước uống với số lượng và chất lượng đảm bảo cho các nhu cầu cơ bản của mình”. Theo đó, tiếp cận với nước là quyền cơ bản của con người.
Nước đang trở thành tâm điểm tại nhiều diễn đàn lớn thế giới. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường tại Johannesburg (Nam Phi), nước được xếp ở vị trí cao nhất trong 5 ưu tiên để phát triển bền vững, đó là: Nước; năng lượng; sức khỏe; nông nghiệp và đa dạng sinh học.
Để quản trị nguồn nước và cân bằng nguồn nước, đảm bảo phát triển sản xuất và dân sinh, việc đầu tư hệ thống thủy lợi và các công trình trữ nước, chuyển nước là ưu tiên hàng đầu.
Hơn 63% diện tích canh tác nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên
Hệ thống thủy lợi của Việt Nam có lịch sử phát triển tương đối dài, công trình thủy lợi đầu tiên được xây dựng ngay từ thời kỳ phong kiến. Nhiều hệ thống thủy lợi lớn ở Bắc Bộ, Trung Bộ đã được người Pháp xây dựng như cống Liên Mạc, đập Bái Thượng… Tiếp đến, hàng loạt công trình thủy lợi quan trọng tiếp tục được đầu tư xây dựng sau năm 1945 ở miền Bắc và sau khi đất nước thống nhất năm 1975.
Thời gian gần đây, nhiều hệ thống công trình thủy lợi quy mô lớn đã và đang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ODA như các hồ chứa nước Cửa Đạt, Bản Mồng, Sông Sào, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Định Bình, Tân Mỹ, Bản Lải; hệ thống thủy lợi Phan Rí – Phan Thiết, Phước Hòa, Easup Thượng, Quản Lộ – Phụng Hiệp… đã đáp ứng tốt cho các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, tại nhiều khu vực, hoạt động sản xuất và đời sống của người dân vẫn phụ thuộc vào nguồn nước trời. Điển hình như vùng Bắc Trung bộ, các công trình chỉ đảm bảo tưới cho khoảng 70% diện tích canh tác nông nghiệp cần tưới.
Tại vùng Tây Nguyên, hiện các công trình có tổng diện tích tưới thiết kế khoảng 302.500ha, nhưng chỉ đảm bảo tưới khoảng 221.600ha. So với nhu cầu cần tưới, các công trình thủy lợi mới phục vụ tưới đạt 28%, còn khoảng 606.000ha (cà phê, hồ tiêu) chưa được tưới, đây là đặc điểm dẫn đến vùng Tây Nguyên là vùng thường xuyên xảy ra hạn hán ở những diện tích gieo trồng ngoài vùng công trình thủy lợi phục vụ tưới.
Đối với những năm hạn hán như vụ đông xuân 2015 – 2016, vùng Đông Nam Bộ chỉ tưới được 110.500ha, đạt 47,6% tổng diện tích canh tác. Vùng Đông Nam bộ cũng là nơi thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước. Công trình thủy lợi mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% diện tích cần tưới.
Hiện công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho khoảng 4,28 triệu ha trong tổng số 11,54 triệu ha canh tác nông nghiệp (chiếm 36,5%). Đây là minh chứng thể hiện rõ nhất của một nền nông nghiệp thiếu chủ động và lệ thuộc vào các yếu tố tự nhiên.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang bị xuống cấp do được xây dựng từ lâu, các biệt có công trình được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, thiếu kinh phí bảo trì thường xuyên.
Khó khăn, tồn tại trên dẫn đến năng lực thực tế phục vụ của các công trình thủy lợi so với công suất thiết kế chưa cao. Trong diện tích được tưới, tỷ trọng tưới cho lúa vẫn chiếm đa số (gần 80%), tưới cho cây trồng cạn đạt thấp (20%) nên hiệu quả mang lại chưa cao. Trong đó tỷ lệ tưới thông minh đạt thấp (lúa 18%, cây trồng cạn 22%).
An ninh nguồn nước quyết định tăng trưởng kinh tế
Theo nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam (của Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch) dự báo đến năm 2050, nhiệt độ của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 1,5 đến 2oC. Nền nhiệt độ không khí tăng sẽ dẫn đến bốc hơi mặt ruộng tăng cao, làm thay đổi hệ số tưới của diện tích cây trồng, số lần tưới sẽ nhiều hơn, lượng nước sử dụng nhiều hơn so với giai đoạn trước đây.
Đồng thời một lượng nước lớn từ các hồ chứa bị bốc hơi mặt nước sẽ làm giảm hiệu suất phục vụ của các công trình thủy lợi, hồ đập so với thiết kế ban đầu.
Còn phân tích của Viện Tài nguyên nước thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP mỗi năm.
Chỉ tính riêng năm 2018, đã có 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 212 trận giông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ… đã gây thiệt hại về kinh tế ước tính là 20.000 tỷ đồng.
Một số nghiên cứu trong nước và quốc tế gần đây dự báo, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn và ước tính có khoảng 85% người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần được hỗ trợ về nông nghiệp. Ở tỉnh Ninh Thuận, diện tích bị hoang mạc hóa tăng nhanh, hạn hán khốc liệt và kéo dài dẫn đến nguy cơ không thể tồn tại một số động, thực vật… |