Trung Quốc bùng phát virus Bunya mới có khả năng lây từ người sang người, làm ít nhất 9 người tử vong và 60 người nhiễm.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc có 60 người, trong đó 37 người ở tỉnh Giang Tô, đã được chẩn đoán bị hội chứng sốt giảm tiểu cầu (SFTS) – căn bệnh gây ra bởi virus Bunya mới lây lan qua bọ ve. Các chuyên gia cảnh báo virus này có thể truyền từ người sang người – Hoàn cầu Thời báo đưa tin ngày 5.8.
“Dựa trên các trường hợp trước đó, virus có thể lây truyền từ động vật hoặc người bị nhiễm sang người khác qua máu, đường hô hấp và vết thương” – bác sĩ Sheng Jifang, chuyên gia về virus Bunya mới và là giám đốc khoa truyền nhiễm Bệnh viện Liên kết số 1 của Đại học Y Chiết Giang, nói với Hoàn cầu Thời báo.
Bác sĩ Sheng cho biết, một bệnh nhân bị nhiễm virus Bunya mới 3 năm trước đã chết. 16 người tiếp xúc với thi thể của bệnh nhân này (do bệnh nhân bị chảy máu nặng), đã bị lây bệnh. Một trong những người bị nhiễm cũng đã tử vong.
“Do đó, nhân viên y tế và người nhà của bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ cần thiết” – bà Sheng nói, đồng thời khuyến cáo mọi người không nên đi vào rừng rậm hoặc bụi rậm.
Bọ ve, từ ấu trùng đến trưởng thành, hút máu của động vật máu nóng. Nhiễm virus Bunya mới tăng đáng kể trong mùa hè do đây là mùa sinh sản của bọ ve. Do đó, virus Bunya mới có thể gây ra dịch bệnh cục bộ.
Bà Sheng cho biết, virus Bunya được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2009 tại các tỉnh An Huy, có tỉ lệ tử vong từ 1-5%, người già dễ nhiễm bệnh. Tuy nhiên khác với chủng virus được xác định vào năm 2009, virus Bunya vừa ghi nhận là chủng mới.
“Không có vaccine hoặc thuốc đặc trị nào, vì vậy mọi người cần được điều trị càng sớm càng tốt một khi họ bị nhiễm virus” – bà Sheng cho hay.
Các triệu chứng ban đầu của nhiễm virus Bunya mới là mệt mỏi và sốt, đôi khi sẽ có phát ban, số lượng tiểu cầu và bạch cầu thấp, rối loạn chức năng đa cơ quan.
Bệnh nhân mắc bệnh nhẹ có thể tự khỏi, nhưng bệnh nhân mắc bệnh nặng thường bị rối loạn chức năng đa cơ quan hoặc thậm chí suy đa tạng.
Leng Peien, giám đốc tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thành phố Thượng Hải cho biết, bọ ve chủ yếu được tìm thấy ở các vùng núi, cũng như các khu vực có động vật hoang dã. Một số vùng đất ngập nước và công viên rừng trong thành phố cũng là môi trường sống của ve. Cho đến nay, các bệnh nhiễm virus Bunya mới được phát hiện chủ yếu là do bọ ve cắn – Leng nói.
Thành phố Lục An ở tỉnh An Huy đã xác nhận vào ngày 11.7 rằng, hội chứng SFTS do bọ ve gây ra đã khiến 5 người chết và 23 người nhập viện kể từ tháng 4. Thành phố Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông cũng báo cáo 4 ca tử vong, theo một báo cáo hồi tháng 7.