Tại buổi làm việc với EVN, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện mặt trời mái nhà.
Buổi làm việc do ông Hoàng Quốc Vượng chủ trì với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được kết nối truyền hình trực tuyến đến 5 Tổng công ty Điện lực, cùng 4 Công ty Điện lực (Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông) đang phát triển mạnh điện mặt trời mái nhà.
Theo báo cáo của EVN, tính đến ngày 31/7/2020 cả nước đã có 42.694 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt, tổng công suất 917MW, tổng sản lượng điện mặt trời mái nhà phát lên lưới từ 1/1 – 31/7/2020 là 309 triệu kWh, EVN đã thanh toán cho các khách hàng hơn 232 tỷ đồng…
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là định nghĩa về công trình xây dựng và cơ sở để xác định loại hình điện mặt trời mái nhà. Hiện có rất nhiều dự án điện mặt trời gần 01 MWp thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp, chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng để xác định có phải là điện mặt trời mái nhà hay không.
Bên cạnh đó, việc xác định “tấm pin quang điện lắp đặt trên mái nhà” theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg cũng gặp khó khăn do hình thức “mái nhà” rất đa dạng (mái tôn, mái nhựa, tấm lấy sáng, bạt nilon,…), cách thức lợp mái (trên/dưới xà gồ,…), trong khi các quy định để xác định thế nào là mái nhà chưa cụ thể.
Do vậy, các tổng công ty điện lực gặp khó khăn trong việc xác định để áp dụng đúng giá mua bán điện theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư theo cụm 3-8MW (mỗi dự án < 1MW) tại cùng 1 địa điểm, của 1 chủ đầu tư và đấu nối tại 1 điểm hoặc nhiều điểm,… cũng gây khó khăn cho ngành điện trong việc xác nhận hệ thống điện mặt trời mái nhà để ký hợp đồng mua bán điện.
Đó là chưa kể, quy định khác nhau của các địa phương về quản lý thuế, hóa đơn với các đối tượng không phải doanh nghiệp (hộ dân, công sở, trường học…); về quản lý xây dựng, đất đai,… cũng gây lúng túng cho các công ty điện lực.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã phát triển nhanh hệ thống điện mặt trời mái nhà, các dự án được gắn trên mái nhà các hộ dân, khu công nghiệp, các trang trại nông nghiệp, đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu thụ điện tại chỗ.
Các hệ thống điện mặt trời mái nhà đi vào vận hành sẽ góp phần giải quyết khó khăn trong việc cung ứng điện thời gian tới. Tuy nhiên, quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà trong thực tiễn đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc.
Sau cuộc họp này, Bộ Công thương sẽ rà soát các khó khăn, vướng mắc, sớm có văn bản hướng dẫn để EVN và các đơn vị trực thuộc triển khai Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng cũng như Thông tư số 18/2020/TT-BCT của Bộ Công thương.
Trước đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp CAS đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ LĐ-TB&XH về việc bị EVN bạc đãi, phân biệt đối xử đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp trong các dự án Năng lượng mặt trời mái nhà.
Theo doanh nghiệp này, những hoạt động trên của họ đều bị đình trệ bởi việc đóng băng trong ký kết Hợp đồng mua bán điện đối với EVN.
Việc EVN chậm ký kết, thanh toán hợp đồng mua bán điện hơn một năm qua đã khiến hoạt động sản xuất, nghiên cứu phát triển đình trệ, không có nguồn để trả lương cho người lao động, trả nợ cho ngân hàng, một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn, bên bờ vực phá sản…
Theo CAS, việc hiểu từ ngữ trong Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như EVN là chưa phù hợp với tinh thần của quyết định này, cũng như khác hẳn với cách suy nghĩ của thế giới về mặt trời mái nhà.
Bên cạnh việc đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, CAS cũng phân tích, nếu cho rằng các tấm pin quang điện đặt trên hệ khung, kèo, không có tấm lợp thì không được coi là năng lượng mặt trời mái nhà thì rất nhiều công trình hiện nay đều không đáp ứng, kể cả nhiều đơn vị trong ngành của EVN thực hiện đầu tư.
Cụ thể là trụ sở của Tổng Công ty Điện lực Hồ Chí Minh, Công ty Điện lực Ninh Thuận, Điện lực Nam Từ Liêm, Điện lực Bà Rịa Vũng Tàu, Điện lực Tây Ninh, Điện lực Vĩnh Long…