Philippines thu giữ lượng tê tê kỷ lục trong năm 2018 – 2019

Theo nghiên cứu mới vừa được TRAFIC công bố, từ năm 2000 đến 2017, chỉ 740 cá thể tê tê Philippines (Manis Culionensis, được xếp loại cực kỳ nguy cấp) bị thu giữ từ hoạt động buôn lậu nhưng trong hai năm 2018 – 2019, con số này lên tới 6.894 cá thể, tức gấp 9 lần số lượng của gần hai thập kỷ gộp lại.

Tê tê Philippines. (Ảnh: Yan Gregg/Creative Common)

Vụ thu giữ lớn nhất diễn ra vào tháng 9/2019 tại Palawan với 1.154 kg vảy tê tê tang vật.

Sở dĩ lượng hàng lậu thu giữ cao trong năm 2018 – 2019 là do tính cả các vụ giải cứu những cá thể tê tê sống bị phát hiện trên phố ở Manila và các tỉnh lân cận. Có 18 vụ giải cứu tất thảy, đều cách vùng sinh sống tự nhiên của tê tê Philippines 600 km. Loài này chỉ sống ở Palawan và là loài có vùng sinh sống hẹp nhất trong số 8 loài tê tê trên thế giới.

Các cuộc điều tra ngẫu nhiên trong giai đoạn 2018 – 2019 phát hiện ra tình trạng thịt tê tê và thuốc chế biến từ tê tê được chào bán ở một số thành phố.

Tê tê Philippines đang đối mặt với áp lực. Từ tháng 1 đến tháng 3/2020, 20 cá thể bị tịch thu từ một kẻ buôn lậu ở Palawan và 3 vụ giải cứu tê tê được thực hiện ở Luzon.

Elizabeth John, phụ trách bộ phận truyền thông thuộc TRAFFIC chỉ rõ: “Việc tăng số lượng vụ thu giữ tê tê cho thấy công tác thực thi pháp luật thành công nhưng cũng gióng hồi chuông cảnh báo với loài động vật quý hiếm này. Hy vọng duy nhất cho tê tê Philippines là dẹp bỏ hẳn được nạn buôn lậu bằng cách tăng cường điều tra các vụ săn trộm, truy tố nhiều hơn và dành những bản án nghiêm khắc hơn với kẻ buôn lậu”.

Thách thức lớn nhất để dẹp bỏ nạn buôn lậu tê tê vẫn là thiếu các cuộc điều tra, bắt giữ hay truy tố, đồng thời hình phạt quá nhẹ.

Bản án đầu tiên cho những kẻ buôn lậu diễn ra ngoài tỉnh Palawan vào tháng 7/2019 khi tòa án tỉnh Cavite tuyên phạt 3 kẻ buôn lậu 3 tháng tù giam và mỗi người 394 đô la vì vận chuyển trái phép 10 cá thể tê tê.

Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines (DENR) gần đây nhận ra rằng hình phạt theo Đạo luật bảo vệ và bảo tồn tài nguyên hoang dã không đủ răn đe tội phạm động vật hoang dã, do đó, Bộ kêu gọi đưa ra mức án bắt buộc thấp nhất là 6 năm tù giam, người bị kết án phải chấp hành hình phạt mà không được xử án treo.

Thế Anh (Theo TRAFFIC)

Nguồn: