Những ngày qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, tổng khối lượng rác y tế và rác có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh (rác nguy hại) phát sinh hằng ngày trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã vượt quá công suất xử lý của lò đốt rác nguy hại hiện trạng.
Giám sát, xử lý kỹ rác thải y tế
Ông Trần Văn Tiên – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, hiện lò đốt rác nguy hại của công ty đã bị quá tải vì tổng khối lượng rác y tế và rác có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thu gom được từ 40 điểm cách ly y tế tập trung, bệnh viện đã vượt quá công suất hoạt động của lò đốt. Việc xử lý rác nguy hại đang là vấn đề khẩn cấp.
Theo ông Tiên, ngay khi có thông tin về các khu cách ly y tế mới thiết lập, công ty đã lập tức khảo sát địa điểm, lắp đặt các thùng rác, nhà vệ sinh để phục vụ công tác thu gom, vận chuyển các chất thải.
Bên cạnh đó, công ty đã đề nghị các bệnh viện và Sở Y tế trang bị đầy đủ thùng chứa rác tại các khu vực cách ly để bảo đảm an toàn cho công nhân trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác.
Để bảo đảm thu gom, xử lý rác sinh hoạt trong thời gian dịch bệnh, công ty đã xây dựng kế hoạch, phương án xử lý chất thải tại các khu vực cách ly y tế, đặc biệt là khu vực Ký túc xá phía tây thành phố Đà Nẵng và các bệnh viện. Rác tại khu cách ly, bệnh viện được cho vào thùng chứa chuyên dụng rồi dán kín miệng thùng tránh rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Xe thu gom sau khi nhận rác sẽ được khử trùng trước khi rời các địa điểm trên để hạn chế lây lan.
Sau khi về nhà máy, xe thu gom tiếp tục được khử trùng trước khi rác được vận chuyển xuống. Số lượng rác trên lại được khử trùng thêm nhiều lần trong quá trình đưa vào lò đốt. Cuối cùng, trước khi nhận các thùng chứa mới để tới các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, các xe thu gom được khử trùng thêm một lần cuối.
Lo xử lý không xuể
Đến nay, công ty đã đặt hơn 120 thùng rác loại 240 lít, 20 thùng rác loại 660 lít, 20 nhà vệ sinh… để thu gom các chất thải tại các bệnh viện, khu cách ly y tế tập trung.
Tính trung bình mỗi ngày khối lượng rác nguy hại là 4,8 tấn/ngày và liên tục tăng lên. Đơn cử, vào ngày 1/8, chỉ riêng rác nguy hại thu gom được tại các bệnh viện, khu cách ly tập trung là 4,86 tấn, vượt công suất lò đốt 60kg; ngày 28 là 5,021 tấn, vượt công suất lò đốt đến 221kg. Ngoài ra, công ty cũng thu gom riêng rác thải sinh hoạt tại các khu cách ly y tế tập trung và bệnh viện với khối lượng khoảng 150m3/ngày.
Trong khi đó, hiện cả thành phố chỉ có 1 lò đốt ST-200 xử lý rác thải nguy hại có công suất 200kg/giờ đã quá tải làm khối lượng rác nguy hại tồn kho nhiều, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ rác rất cao.
“Vào thời điểm trước đây, lò đốt rác nguy hại ST-200 tại khu vực bãi rác Khánh Sơn với công suất xử lý 200kg/giờ chỉ hoạt động vài giờ vào ban đêm, nhiều nhất là 10 giờ/ngày. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2020 đến nay, khi Covid-19 diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, phát sinh nhiều rác y tế và rác có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã phải vận hành lò đốt rác này hết công suất.”- ông Tiên cho hay.
Vấn đề Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng lo lắng hiện nay là dự kiến bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn sẽ vào hoạt động và thành lập thêm nhiều khu cách ly y tế tập trung mới, khối lượng rác nguy hại tăng lên từ 7-8 tấn/ngày và có khả năng còn phát sinh cao hơn.
Do đó, công ty đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, đề xuất UBND thành phố khẩn trương đầu tư trang thiết bị (lò hấp tiệt trùng hoặc lò đốt) để xử lý rác nguy hại, nhằm tránh lây nhiễm, lây lan dịch bệnh.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cần có các văn bản hướng dẫn, nhắc nhở các quận, huyện và đơn vị đang quản lý những khu cách ly y tế tập trung cùng các bệnh viện thực hiện phân loại rác thải nhằm giảm áp lực cho công tác thu gom, xử lý rác nguy hại.
“Công ty đang huy động các nguồn lực để tập trung cho công tác thu gom, xử lý rác nguy hại tại hơn 40 bệnh viện, khu cách ly y tế tập trung, để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ rác thải. Trước tình hình khẩn cấp hiện nay, cần có phương án xử lý rác nguy hại để tránh lây nhiễm dịch bệnh do lò đốt ST-200 đã quá tải. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường phân loại rác để giảm khối lượng rác phải đốt”, ông Tiên đề nghị.