Các nhà bảo tồn lại thất bại trong việc bảo tồn những động vật có vú lớn khác cùng chia sẻ môi trường sống với loài gấu trúc trước nguy cơ tuyệt chủng.
Những chú gấu trúc đáng yêu đã chiếm được tình cảm của đông đảo những người yêu động vật trên khắp thế giới.
Hình ảnh loài động vật mập mạp và hiền lành với màu lông đen-trắng này đã trở thành biểu tượng của nỗ lực toàn cầu trong việc bảo vệ sự đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, các nhà bảo tồn lại thất bại trong việc bảo tồn những động vật có vú lớn khác cùng chia sẻ môi trường sống với loài gấu trúc trước nguy cơ tuyệt chủng.
Kể từ khi các nỗ lực bảo tồn “quốc bảo” gấu trúc được triển khai, Trung Quốc đã trừng trị những kẻ săn trộm, nghiêm cấm hoạt động buôn bán gấu trúc và thiết lập nhiều khu bảo tồn dành cho gấu trúc.
Chiến lược này được coi là một trong những chương trình tham vọng nhất và đáng chú ý nhất để bảo vệ loài gấu trúc trước nguy cơ tuyệt chủng.
Chiến lược này đã phát huy hiệu quả khi gấu trúc đã được loại khỏi danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Liên minh Bảo tồn thiên quốc tế (IUCN) hồi năm 2016 dù rằng chúng vẫn còn là loài động vật “dễ bị tổn thương.”
Tuy nhiên, một nghiên cứu được đăng tải ngày 3/8 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution đã đặt ra hoài nghi về ý tưởng rằng những nỗ lực bảo vệ loài gấu trúc sẽ “tự khắc”giúp bảo vệ tất cả các loài động vật khác cùng chia sẻ môi trường sống với nó.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng loài báo hoa mai (leopard), báo tuyết, chó sói và sói đỏ (dhole) đã gần như biến mất khỏi phần lớn các khu bảo tồn gấu trúc kể từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Các tác giả đã so sánh dữ liệu khảo sát từ những năm 50 đến những năm 70 của thế kỷ trước với thông tin được thu thập từ gần 8.000 bẫy ảnh được chụp từ năm 2008 đến 2018.
Họ phát hiện rằng báo hoa mai đã biến mất khỏi 81% khu bảo tồn gấu trú, trong khi con số này ở báo tuyết là 38%, sói là 77% và sói đỏ là 95%.
Theo các nhà nghiên cứu, “những kẻ săn mồi” này phải đối mặt với các mối đe dọa từ những đối tượng săn trộm, khai thác gỗ và bệnh tật.
Ngoài ra, một thách thức lớn khác là trong khi không gian sống của gấu trúc chỉ cần diện tích tối đa 13km2, 4 loài thú trên cần diện tích hơn 100km2 để sinh sống. Trong khi đó, diện tích các khu bảo tồn gấu trúc tiêu chuẩn chỉ trong khoảng 300-400 km2, quá nhỏ để có thể hỗ trợ một “quần thể động vật ăn thịt lớn như báo hoa mai hay sói đỏ.”
Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu Sheng Li, Trưởng nhóm nghiên cứu, vẫn thừa nhận việc bảo tồn gấu trúc cũng giúp bảo vệ các động vật khác, trong đó có các động vật ăn thịt nhỏ, chim trĩ và các loài chim khác.
Do đó, việc không thể bảo vệ các loài động vật ăn thịt lớn khác không thể phủ nhận sức mạnh của gấu trúc như một “chiếc ô” che chở hiệu quả các loài động vật khác.
Tuy nhiên, ông kêu gọi công tác bảo tồn trong tương lai cần hướng đến việc bảo vệ các loài động vật khác, thay vì chỉ tập trung vào một loài nhất định.
Ông cũng bày tỏ hy vọng dự án Công viên Quốc gia gấu trúc mới, kết nối các môi trường sống hiện tại trên hàng nghìn kilomet, có thể giúp giải quyết vấn đề này.
Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh sự phục hồi của quần thể động vật ăn thịt lớn sẽ “tăng khả năng phục hồi và tính bền vững của hệ sinh thái không chỉ đối với gấu trúc khổng lồ mà còn đối với các loài động vật hoang dã khác.”
Theo IUCN, ước tính có khoảng 500-1.000 con gấu trúc trưởng thành được bảo tồn ở vùng Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc của Trung Quốc.
Nhóm bảo tồn này cũng liệt kê báo hoa mai và báo tuyết là những đối tượng dễ bị tổn thương, trong khi loài sói đỏ bị liệt vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng.