Ninh Thuận là địa phương khô hạn nhất nước, những năm qua hạn hán diễn ra gay gắt trên diện rộng gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Trước tình hình này việc tìm giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu là bài toán đặt ra hết sức cấp bách cho tỉnh Ninh Thuận.
Theo thống kê, lượng mưa trung bình năm của tỉnh Ninh Thuận chỉ khoảng 1.000 mm, tập trung vào 4 tháng cuối năm (tháng 9-12). Trong khi đó lượng bốc hơi lại gấp đôi đã khiến cho tình trạng khô hạn thường xuyên diễn ra. Trước những điều kiện bất lợi đó, tỉnh Ninh Thuận đã xác định việc đầu tư xây dựng các hồ chứa nước và hệ thống công trình thủy lợi là một trong những giải pháp hiệu quả ứng phó với hạn hán.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, theo quy hoạch thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thích ứng với biến đổi khí hậu, nguồn nước mặt chính của Ninh Thuận chủ yếu dựa vào hệ thống sông Cái Phan Rang bao trùm gần hết toàn tỉnh, chỉ trừ một số vùng ven biển thuộc các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải và Ninh Phước có các sông độc lập chảy thẳng ra biển.
Tổng diện tích tự nhiên của hệ thống sông Cái Phan Rang là 3.043 km2. Tổng lượng nước mặt bình quân trong năm trên toàn tỉnh Ninh Thuận khoảng 2,267 tỷ m3, trong đó lưu vực sông Cái là 2,032 tỷ m3; bổ sung từ thủy điện Đa Nhim (hồ Đơn Dương) là 548 triệu m3; từ sông, suối ở các tỉnh khác chảy vào Ninh Thuận là 234 triệu m3. Tuy nhiên, tổng lượng nước mặt sử dụng hàng năm đến thời điểm hiện nay chỉ khoảng 800 triệu m³ nước, còn lại là đổ ra biển.
Bên cạnh đó trữ lượng nước ngầm lại rất nghèo, chất lượng nước ngầm có độ khoáng hóa thấp, vùng đồng bằng ven biển Phan Rang tầng chứa nước mỏng và bị ảnh hưởng của mặn.
Do nguồn nước tự nhiên không thể đáp ứng nhu cầu tưới, việc xây dựng các công trình cấp nước như hồ chứa, đập dâng, trạm bơm… là rất quan trọng để đảm bảo an ninh nguồn nước.
Ông Đặng Kim Cương cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 21 hồ chứa với tổng dung tích là 194,49 triệu m3, 7 đập dâng lớn và 10 trạm bơm, chưa kể hàng chục đập dâng nhỏ và hàng trăm trạm bơm dã chiến để cấp nước sinh hoạt cho trên 600.000 dân, đồng thời phục vụ các ngành kinh tế (công nghiệp, dịch vụ, du lịch,…) và chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp,… trên địa bàn tỉnh.
Dù vậy, đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp được tưới của tỉnh Ninh Thuận cũng mới chỉ đạt 26.000 ha (bao gồm Nhà máy thủy điện Đơn Dương tưới cho 16.000ha lúa và rau màu, 21 hồ chứa tưới cho khoảng 10.000ha lúa và rau màu) chiếm hơn 35% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Vì thế, hàng năm Ninh Thuận vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước và nếu gặp năm hạn nặng thì càng nghiêm trọng (như năm 2015, 2016 và năm 2020).
Để đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo nước tưới cho ngành nông nghiệp, hiện nay tỉnh Ninh Thuận đang triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư). Hồ này có sức chứa hơn 200 triệu m3, bằng tổng số 21 hồ chứa tỉnh này cộng lại. Khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu nước tưới cho khoảng 20.000 ha đất nông nghiệp. Cùng với đó sẽ đảm bảo nguồn nước cho toàn bộ khu công nghiệp và toàn bộ khu đô thị vùng duyên hải của tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời tạo nguồn cho 10 hồ nhỏ khác. Hiện nay hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã thi công hoàn thành giai đoạn 1, đã tạo dòng chảy đưa về phía hạ du khoảng 2,5m3/s và đang tưới cho khoảng 6.500 ha.
Ngoài hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Ninh Thuận cũng đang triển khai hồ chứa nước Sông Than. Theo ông Đặng Kim Cương, đây là một trong những dự án trọng điểm, cấp bách của tỉnh nhằm ứng phó với hạn hạn, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chính dự án là cấp nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác, cấp nước sinh hoạt cho trên 20.000 dân vùng hạ lưu trên địa bàn huyện Ninh Sơn và khu vực phía Nam của tỉnh; cấp nước cho các ngành kinh tế khác 24 triệu m3/năm; cấp nước bổ sung cho các hồ Lanh Ra, Tà Ranh và Bầu Zôn; xả trả lại nguồn nước tự nhiên cho hạ du về mùa kiệt để đảm bảo môi trường.
Bên cạnh đó Ninh Thuận sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư các hệ thống kết nối liên hồ chứa, liên lưu vực trên địa bàn tỉnh để định hướng phát triển thủy lợi một cách căn cơ, hiện đại, bền vững, đặc biệt là khu vực phía Nam, phía Bắc vùng ven biển của tỉnh.
“Khi hai hệ thống thủy lợi trên đưa vào sử dụng và hệ thống kết nối liên hồ chứa hoàn thành sẽ đảm bảo an ninh nguồn nước cho tỉnh Ninh Thuận”, ông Cương cho biết.
Tỉnh Ninh Thuận đang nghiên cứu để định hướng phát triển thủy lợi một cách căn cơ, xác định rõ nhu cầu sử dụng nước phục vụ cho các ngành kinh tế khác nhau: Nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, du lịch, sinh hoạt,… phù hợp với từng giai đoạn theo hướng hiện đại, có ứng dụng công nghệ cao trong công tác quản lý, khai thác và vận hành.
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát toàn bộ cơ cấu kinh tế để có hướng tái cơ cấu phù hợp với nền nông nghiệp đặc hữu, thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết, đặc điểm tự nhiên của tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng, quản lý công nghệ vào nghiệp vụ quản lý thủy lợi, đổi mới căn bản công tác quản lý ngành thủy lợi theo các quy định mới của Luật Thủy lợi. (ông Đặng Kim Cương – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận).