Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp để đáp ứng 14.000 giường cách ly cho kịch bản số ca bệnh lên đến 50 người trong thời gian tới.
Chiều 3-8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM đã họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.
Quyết liệt ngăn chặn người nhập cảnh trái phép
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích Đà Nẵng là nơi bùng phát dịch, những tỉnh lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế là những vùng có thể được xếp vào nhóm nguy cơ cao.
Đối với TP.HCM, ông Nhân cho rằng tuy không có mối liên kết địa lý với Đà Nẵng nhưng là nơi có sự giao thương cường độ cao. Do đó, ông cho rằng cần phải xác định được tình hình của TP hiện tại để đưa ra dự báo, giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Theo ông Nhân, số liệu của Sở Y tế cho thấy trong khoảng 6.000 người về từ Đà Nẵng đã khai báo y tế có sáu người cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. “Như vậy, có thể dự đoán rằng cứ 1.000 người về từ Đà Nẵng trong tháng 7 thì có một người mắc COVID-19” – ông Nhân nói và cho biết đến nay đã có 36.000 người khai báo về Đà Nẵng trong tháng 7. Do vậy, cần chuẩn bị trước tình huống để đối phó.
Cụ thể, hiện nay TP có tám ca bệnh, do đó ngành y TP cần chuẩn bị trước cơ sở điều trị, nơi cách ly nếu có 50 ca nhiễm. Cứ mỗi ca nhiễm cần cách ly khoảng 280 người, do đó ông Nhân đề nghị các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp để đáp ứng 14.000 giường cách ly cho kịch bản số ca bệnh lên đến 50 người trong thời gian tới.
Theo ông Nhân, mặc dù tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng phức tạp nhưng về tổng thể thì nước ta vẫn an toàn.
Để phòng, chống dịch tốt nhất, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp cần tiếp tục thực hiện, trong đó đeo khẩu trang nơi công cộng là giải pháp hàng đầu (hiện nay ông Nhân cho biết ít nhất 20% người dân không đeo khẩu trang), người từ vùng dịch về phải cách ly, áp dụng các tiêu chí sản xuất, kinh doanh an toàn, giảm tụ tập đông người, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép… Phải cắt những nguy cơ khiến dịch bệnh xâm nhập vào TP.
Về tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào TP, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là một trong các nguy cơ gây dịch bệnh COVID-19. Từ đó, ông Nhân đề nghị cần tổ chức rà soát, thu thập chứng cứ, khởi tố sớm nhất các trường hợp người nước ngoài câu kết với người Việt Nam tổ chức nhập cảnh trái phép. Ông cũng đề nghị các cơ quan liên quan quyết liệt ngăn chặn người nhập cảnh trái phép.
Đối với người từ Đà Nẵng về TP.HCM, ông Nhân đề nghị cần được kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ. Ông kêu gọi những người về từ vùng dịch cần có ý thức tự cách ly. Hàng xóm, tổ dân phố, các đoàn thể cần chủ động phát hiện người về từ vùng dịch không khai báo, người nước ngoài đến không rõ mục đích.
Từ ngày 5-8, người dân TP.HCM không đeo khẩu trang sẽ bị phạt
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định dịch bệnh còn kéo dài nên phải xác định tinh thần sống chung với dịch bệnh. Từ đó, ông đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện có cách thức chỉ đạo phù hợp với từng thời điểm của dịch bệnh hiện nay.
Người đứng đầu TP.HCM cho rằng hiện TP vẫn chưa nặng nề việc cách ly xã hội và đang tập trung khoanh vùng có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh để xử lý, bên cạnh đó vẫn tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân, ông Phong cũng đề nghị các cơ quan, ban, ngành cần tăng cường xử phạt các hành vi: Tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép; lợi dụng tình trạng dịch bệnh tăng giá khẩu trang, nước rửa tay; lơ là, chủ quan với các biện pháp phòng dịch… Cụ thể, từ ngày 5-8, TP sẽ mạnh tay xử phạt đối với các trường hợp không chấp hành việc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Ông Phong đề nghị người đứng đầu các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện kêu gọi người dân tham gia các biện pháp phòng dịch. “Mỗi nhà là một pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ cần nâng cao ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, bình tĩnh chủ động tuyệt đối phòng dịch, không để lơ là mất cảnh giác” – ông Phong nói.
Ngoài ra, ông Phong cũng cho biết đã đồng ý việc tái lập lại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở những khu vực cửa ngõ ra vào TP.HCM.
Phát hiện 1 người Trung Quốc tổ chức nhập cảnh trái phép
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết đến ngày 3-8 đã có 114 trường hợp nhập cảnh trái phép vào TP, trong đó chủ yếu là người Trung Quốc. Đặc biệt, Công an TP đã phối hợp phát hiện một người từ Phúc Kiến (Trung Quốc, sinh năm 1976) có dấu hiệu cùng với người ở Đà Nẵng đưa 20 người Trung Quốc vào Đà Nẵng và TP.HCM. Đối với 20 người nhập cảnh trái phép này, cơ quan chức năng đã phát hiện và đưa đi cách ly. |
Cả nước đang có 13 ca nhiễm nguy kịch, 21 ca nặng
Sáng cùng ngày, tại cuộc họp Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết các cơ sở y tế đang điều trị cho 13 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch và nặng phải thở máy xâm nhập, điều trị tích cực, can thiệp ECMO. Ngoài ra có 21 bệnh nhân khác tiên lượng nặng, phải điều trị tích cực.
Các bệnh nhân nặng và nguy kịch đang được điều trị tại các cơ sở y tế gồm BV Trung ương Huế (là bệnh nhân từ BV Đà Nẵng chuyển đến), BV Đà Nẵng, BV Phổi Đà Nẵng, BV Trung ương Quảng Nam và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Tiểu ban điều trị cho biết hầu hết các bệnh nhân nặng và nguy kịch là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền phức tạp, nhiều người đang chạy thận nhân tạo, mắc các bệnh lý tim mạch, thận, thậm chí ung thư…
Tất cả bệnh nhân nặng này đang được chăm sóc và theo dõi bởi đội ngũ y, bác sĩ giỏi nhất cả nước. Mọi diễn biến của bệnh nhân đều được theo dõi sát và được điều hành qua Trung tâm Quản lý điều hành hỗ trợ trực tuyến chẩn đoán và điều trị COVID-19.
Sau khi nghe báo cáo về trường hợp các bệnh nhân nặng, PGS-TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các BV thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của ban chỉ đạo và của Cục Quản lý khám chữa bệnh; thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao.
Thêm 22 ca nhiễm mới, Đà Nẵng 15 người
Chiều 3-8, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 21 ca mới dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 15 ca tại Đà Nẵng, 6 ca tại Quảng Nam có liên quan đến Đà Nẵng. Cụ thể: Ca bệnh 622-627 (BN622-627): Các bệnh nhân tại Quảng Nam, độ tuổi 38-83, liên quan đến BV Đà Nẵng: 3 ca là người thăm tại Khoa thận – nội tiết, 1 ca là người chăm sóc BN524, 1 ca tiếp xúc với BN524, 1 ca là bệnh nhân Khoa thận – nội tiết. Ca bệnh 628-642 (BN628-642): Các ca bệnh tại Đà Nẵng, độ tuổi 20-78: 12 ca là các đối tượng F1 (BN456: 5 ca, BN509: 2 ca, BN488: 2 ca, BN501: 1 ca, BN510: 1 ca, BN426 và 430: 1 ca), 2 ca là người nhà chăm sóc tại BV Đà Nẵng, 1 ca ở quận Hải Châu, khám ngoại trú tại BV Gia Định, Đà Nẵng. Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ Y tế thông báo ghi nhận thêm 1 ca COVID-19 mới ở tỉnh Quảng Ngãi. Đó là bệnh nhân 621 (BN621), 60 tuổi, ngụ Bình Sơn, Quảng Ngãi. Từ ngày 18 đến 22-7, bệnh nhân chăm sóc người ốm tại BV Đà Nẵng. Ngày 31-7, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho. Ngày 1-8, bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả ngày 2-8 là dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là bệnh nhân COVID-19 thứ tư ghi nhận trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, các ca đều có liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng. Tính đến 18 giờ ngày 3-8, Việt Nam có tổng cộng 642 ca mắc COVID-19, trong đó 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 195 ca. |