Theo chuyên gia thuỷ lợi, những đơn vị xây dựng trái phép ở hồ Đại Lải phải di dời, trả lại hiện trạng cho hồ. Việc hoàn lại nguyên trạng hồ hay không cũng phụ thuộc vào mức độ quyết liệt của chính quyền địa phương, không để tồn tại những vi phạm.
Vi phạm rất rõ Luật Thủy lợi
Thời gian vừa qua, Báo Lao Động đã đăng tải loạt bài phản ánh về việc hồ Đại Lải (xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên) bị một số doanh nghiệp “xẻ thịt” không thương tiếc trong suốt nhiều năm, vi phạm nghiêm trọng hành lang hồ thuỷ lợi.
Trao đổi với Lao Động, TS Trần Viết Ổn – Phó Hiệu trưởng Đại học Thuỷ lợi cho biết, hồ thủy lợi nói chung và hồ Đại Lải nói riêng có 3 chức năng chính, gồm cấp trữ nước cho dân sinh, nông nghiệp và các nền kinh tế khác; phòng chống lũ cho hạ du và cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực. Chính vì vậy, hồ thủy lợi có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội.
Luật Thủy lợi đã quy định rất rõ về hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, những đơn vị quản lý hồ phải thiết lập hành lang bảo vệ hồ thông qua các mốc giới.
“Việc các doanh nghiệp xây dựng, đổ đất, kè bờ vào lòng hồ, điều này vi phạm vào điều 8 mục 10 và điều 44 của Luật Thủy lợi. Việc họ vi phạm luật pháp là rất rõ.
Cụ thể, theo điều 8, mục 10 Luật Thủy lợi, không được thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp.
Theo điều 44 Luật Thủy lợi, các công trình xây mới, lập bến bãi, khoan đào, khảo sát địa chất, xả nước thải, hoạt động du lịch, hoạt động của các phương tiện thủy nội địa trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi… đều phải có giấy phép” – ông Ổn cho hay.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy Lợi cũng khẳng định, việc tỉnh Vĩnh Phúc để các doanh nghiệp xây dựng khi chưa đầy đủ giấy phép là sai, dẫn tới nhiều hệ lụy. Vì vậy, cần đánh giá được những tác động của các dự án đến nhiệm vụ của hồ Đại Lải.
“Tôi được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao hồ Đại Lải cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc quản lý, về nguyên tắc tỉnh có quyền phê duyệt các dự án. Dù vậy, tỉnh cũng phải xem xét sự ảnh hưởng của công trình đến an toàn và nhiệm vụ của hồ thông qua đánh giá tác động môi trường của dự án” – chuyên gia thuỷ lợi nói.
Khó khôi phục hiện trạng
Tại kết luận số 253 của Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nêu rõ, có một số doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định, TS Trần Viết Ổn cho rằng – điều này sẽ làm suy giảm dung tích hồ chứa, giảm khả năng cấp nước, giảm khả năng phòng lũ và làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái chung của khu vực. Chính vì vậy, UBND tỉnh phải quy hoạch lại chức năng nhiệm vụ hồ.
“Theo đúng Luật Thủy lợi, những đơn vị xây dựng trái phép ở hồ Đại Lải phải di dời, trả lại hiện trạng cho hồ. Tuy nhiên, với mức độ lấn hồ như vậy, tôi cho rằng rất khó để trả lại nguyên trạng cho hồ Đại Lải.
Dù vậy, việc hoàn lại nguyên trạng hồ hay không cũng phụ thuộc vào mức độ quyết liệt của chính quyền địa phương, không để tồn tại những vi phạm”- ông Ổn nói.