Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp Quốc (FAO), mặc dù khoảng 178 triệu ha rừng đã bị mất đi trên toàn thế giới trong 3 thập kỷ qua, nhưng tỷ lệ mất rừng đã giảm đáng kể trong giai đoạn này.
Phát hiện này được đưa ra trong báo cáo Đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu mới nhất (FRA 2020), nhằm mục đích xóa bỏ nạn phá rừng hoặc chuyển đổi rừng sang các mục đích sử dụng khác như nông nghiệp.
“Thông tin giàu có về các khu rừng trên thế giới là một lợi ích công cộng có giá trị cho cộng đồng toàn cầu nhằm hỗ trợ việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng, ra quyết định và đầu tư đúng đắn vào ngành lâm nghiệp”, bà Maria Helena Semedo, Phó Tổng Giám đốc FAO cho biết.
Theo báo cáo, tổng diện tích rừng toàn cầu ở mức khoảng 4,06 tỷ ha nhưng vẫn tiếp tục giảm.
Theo ước tính của FAO, nạn phá rừng đã cướp đi khoảng 420 triệu ha diện tích rừng trên thế giới kể từ năm 1990, chủ yếu ở Châu Phi và Nam Mỹ.
Tuy nhiên, có một tin tốt là tỷ lệ mất rừng đã giảm đáng kể trong 3 thập kỷ qua. Ước tính cho thấy tỷ lệ phá rừng hàng năm ở mức 10 triệu ha trong giai đoạn 2015-2020, so với 12 triệu ha trong giai đoạn 2010-2015.
Diện tích rừng được bảo vệ cũng đạt khoảng 726 triệu ha, lớn hơn gần 200 triệu ha so với năm 1990.
Tuy vậy, theo FAO, vẫn có lý do cho một mối lo ngại lớn. Cán bộ lâm nghiệp cao cấp của FAO, ông Anssi Pekkarinen cảnh báo các mục tiêu toàn cầu về quản lý rừng bền vững đang đứng trước nguy cơ. “Chúng ta cần tăng cường ngăn chặn nạn phá rừng nhằm giải phóng toàn bộ tiềm năng của rừng trong việc đóng góp vào sản xuất lương thực bền vững, xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, bảo tồn đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, trong khi duy trì sản xuất tất cả các hàng hóa và dịch vụ khác mà rừng cung cấp”, ông Anssi Pekkarinen lưu ý.
Kể từ năm 1990, Báo cáo Đánh giá Tài nguyên Rừng Toàn cầu của FAO được công bố 5 năm 1 lần. Đây là lần đầu tiên, một nền tảng tương tác trực tuyến được xây dựng với các phân tích chi tiết về khu vực và toàn cầu cho gần 240 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Những công cụ mới được công bố sẽ cho phép chúng ta ứng phó tốt hơn với nạn phá rừng và suy thoái rừng, ngăn chặn mất mát đa dạng sinh học và cải thiện quản lý rừng bền vững”, bà Maria Helena Semedo cho biết.
FAO cũng mong muốn rừng là trung tâm của những nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được sự phát triển bền vững mang lại lợi ích cho cả con người và hành tinh.
Mai Đan (Tổng hợp từ UN News)