Bão số 2 đã suy yếu và chưa gây thiệt hại về người, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vẫn đảm bảo an toàn.
Chiều 2-8, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và đi vào các tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa. Sau đó, ATNĐ tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200-400 mm, có nơi trên 500 mm. Tây Nguyên và Nam bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm. Khu vực Bắc bộ đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 200 mm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dù bão số 2 đã suy yếu nhưng hoàn lưu sau bão kết hợp với rãnh áp thấp đi qua khu vực Bắc bộ, nối với cơn bão Hagupit ở phía đông đảo Đài Loan nên mưa lớn ở Bắc bộ sẽ kéo dài đến khoảng ngày 8-8. Lượng mưa sẽ phổ biến 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt.
Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến 16 giờ ngày 2-8, bão số 2 chưa gây thiệt hại gì về người, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vẫn đảm bảo an toàn.
Báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cũng cho biết đến 5 giờ sáng 2-8, có hai sự cố tàu thuyền xảy ra. Đó là một tàu cá ở Thanh Hóa bị hỏng máy, trôi dạt trên biển đã được lai dắt vào khu vực an toàn; một tàu cá ở Nghệ An đang neo đậu tránh trú bão bị sóng đánh chìm, ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.
Tại cuộc họp bàn ứng phó với bão số 2 diễn ra sáng 2-8, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, đã yêu cầu khu vực đồng bằng theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, ngập úng, chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêu úng. Đối với khu vực trung du và miền núi, các địa phương tăng cường theo dõi, giám sát vận hành kịp thời hồ chứa, đặc biệt lưu ý các hồ chứa nhỏ để đảm bảo an toàn cho người dân hạ du.
Ông Hoài cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo dõi, giám sát, có báo cáo kịp thời về việc vận hành hồ chứa theo quy trình đảm bảo an toàn, nhất là các hồ thủy điện nhỏ.
“Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi, cung cấp thông tin kịp thời tình hình mưa bão, chú ý theo dõi tình hình mưa lớn đang xảy ra ở Lào” – ông Hoài đề nghị.
Xả lũ hồ thủy điện ở Nghệ An
Cũng trong chiều 2-8, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An có thông báo về việc vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện Châu Thắng (xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, Nghệ An). Theo đó, dự kiến từ 18 giờ chiều 2-8, Công ty CP Thủy điện Prime Quế Phong sẽ xả lũ hồ chứa thủy điện Châu Thắng. Tổng lưu lượng xả lũ từ 70 m3/giây đến 500 m3/giây. Thời gian kết thúc xả lũ là khi hết ảnh hưởng của bão số 2 và hoàn lưu bão gây ra. Chính quyền địa phương ở vùng hạ du tỉnh Nghệ An đang triển khai các công tác để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Đắc Lam |