Các mẫu trầm tích này sẽ giúp các nhà khoa học phân tích những thay đổi về khí hậu và môi trường trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, hay còn gọi là cao nguyên Tây Tạng, trong 150.000 năm qua.
Một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc đã lần đầu tiên khoan được lõi trầm tích tại hồ Namtso trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng phục vụ nghiên cứu lịch sử khí hậu và môi trường trên cao nguyên này.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã sử dụng hệ thống khoan tự động và thu được lõi trầm tích hồ với độ dài hơn 100m ở độ sâu 95m tại hồ Namtso.
Các mẫu trầm tích này sẽ giúp các nhà khoa học phân tích những thay đổi về khí hậu và môi trường trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, hay còn gọi là cao nguyên Tây Tạng, trong 150.000 năm qua.
Namtso là một hồ lớn nằm giữa cao nguyên Tây Tạng ở độ cao 4.730m trên mặt nước biển.
Đây là khu vực khảo sát quan trọng trong dự án nghiên cứu khoa học toàn diện thứ hai của Trung Quốc về cao nguyên rộng và lớn nhất thế giới này. Dự án này bắt đầu từ tháng 6/2017.
Sau khi thực hiện khảo sát tại các hồ trên cao nguyên, trong đó có Namtso, các nhà khoa học đã thu được nhiều dữ liệu trực tiếp làm cơ sở khoa học cho các nghiên cứu sâu hơn về các hồ trên Tây Tạng và phản ứng của các hồ trước tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo một dự án mới được phê duyệt vào tháng trước, các nhà khoa học Trung Quốc sẽ hợp tác với 12 nhà nghiên cứu đến từ 7 quốc gia, trong đó có Đức, Anh và Mỹ, để rút 2.250m trầm tích tại 5 vị trí ở hồ Namtso phục vụ công tác nghiên cứu điều kiện khí hậu và môi trường ở Tây Tạng trong hàng triệu năm qua.