Việt Nam có 12.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động lâm nghiệp và 122 hợp tác xã chuyên về lâm nghiệp, 176 tổ hợp tác lâm nghiệp và gần 1 triệu hộ nông dân có sản xuất, kinh doanh dịch vụ lâm nghiệp.
Ngày 30/7, tại Hà Nội, Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả giai đoạn 1 và đề xuất nội dung hoạt động giai đoạn tiếp theo của Dự án “Nâng cao năng lực cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong phát triển lâm nghiệp và tham gia chương trình khí hậu quốc gia” do tổ chức Phát triển lương thực và lâm nghiệp Phần Lan (FFD) tài trợ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có 12.000 hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động lâm nghiệp và 122 hợp tác xã chuyên về lâm nghiệp, 176 tổ hợp tác lâm nghiệp và gần 1 triệu hộ nông dân có sản xuất, kinh doanh dịch vụ lâm nghiệp.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân có nhu cầu tư vấn thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017, chương trình quản lý rừng bền vững, chương trình chứng chỉ rừng Việt Nam và quốc tế (FSC, PEFC), chương trình chống biến đổi khí hậu quốc gia, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT/VPA), Hiệp định giữa Việt Nam và EU về FLEGT, phát triển hợp tác xã lâm nghiệp theo chuỗi giá trị và quản lý rủi ro trong kinh doanh lâm sản…
Từ năm 2017, được sự hỗ trợ của FFD và sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của nhiều tổ chức có liên quan, VCA đã giao cho Viện Phát triển kinh tế hợp tác làm đầu mối xây dựng và hoàn thiện Dự án Nâng cao năng suất cho các hộ sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ ở Việt Nam.
Năm 2018, Tổ chức FFD thay đổi tên dự án cho giai đoạn 1/2020 (từ ngày 15/1 – 15/8/2020) là nâng cao năng lực cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong phát triển lâm nghiệp và tham gia chương trình khí hậu quốc gia.
Nhận định về kết qủa giai đoạn 1/2020 của dự án, ông Nguyễn Ngọc Bảo giá cao kết quả đạt được và khẳng định thành công của giai đoạn 1 là bước đệm, là mở đường cho giai đoạn 2 và những năm tiếp theo của dự án.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, muốn phát triển rừng và lâm nghiệp Việt Nam chỉ bằng cách phát triển hợp tác xã trồng rừng, hợp tác xã lâm nghiệp.
VCA kỳ vọng giai đoạn 2 của dự án sẽ được mở rộng hơn, quy mô, hiệu quả hơn. Nhiều hợp tác xã được hưởng lợi hơn để mang lại hiệu quả về kinh tế, môi trường và dự án này kéo dài để Việt Nam cùng tham gia vào chương trình chống biến đổi khí hậu với thế giới.
Chia sẻ thêm về kết quả của dự án, ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác cho hay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng VCA đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Viện triển khai dự án có kết quả, đúng kế hoạch các nội dung đã được hai bên thống nhất.
Chính vì vậy, việc quản lý, điều hành dự án theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng triển khai thực hiện.
Các nội dung chính của giai đoạn 1/2020 đều được tập trung nguồn lực triển khai thực hiện tốt, có chất lượng và hiệu quả thiết thực. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ thành viên phát triển lâm nghiệp và tham gia chương trình khí hậu quốc gia.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, tính đến ngày 15/7/2020, dự án đã tổ chức xây dựng và ban hành Kế hoạch chiến lược của VCA trong phát triển lâm nghiệp và tham gia chương trình biến đổi khí hậu quốc gia giai đoạn 2020-2030.
Bên cạnh đó, biên soạn và in 12 ấn phẩm với tổng cộng 1.098 trang phục vụ việc đào tạo giảng viên (TOT), tập huấn nâng cao năng lực cạnh kinh doanh lâm nghiệp và tham gia chương trình khí hậu quốc gia cho cán bộ hệ thống VCA và các hợp tác xã, chủ hộ lâm nghiệp nhỏ ở Việt Nam.
Ngoài ra, dự án đã tổ chức 1 khoá TOT với 141 học viên tham dự theo hình thức trực tuyến công nghệ zoom; tổ chức 3 toạ đàm về góp ý vào Kế hoạch chiến lược của VCA trong phát triển lâm nghiệp và tham gia chương trình khí hậu quốc gia giai đoạn 2020-2030.
Không những thế, các chuyên gia còn trao đổi về cơ chế, chính sách vay vốn và cơ hội kinh doanh giữa Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Ngân hàng Hợp tác xã và gần 50 hợp tác xã, chủ hộ rừng nhỏ về khó khăn, thách thức cũng như các giải pháp ứng phó của hợp tác xã, chủ sản xuất kinh doanh nhỏ ở Việt Nam do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế mà dự án chưa làm được do những tác động khách quan như việc tuyên truyền về vai trò và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong phát triển lâm nghiệp và tham gia chương trình khí hậu quốc gia còn chưa nhiều.
Mặt khác, do đại dịch COVID-19 nên các hoạt động hầu hết đều tổ chức trực tuyến. Dù số lượng có tăng nhưng qua đánh giá của các học viên thì đây là phương pháp đào tạo mới nên tại nhiều địa phương hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển khiến việc trao đổi, thảo luận chưa được thuận tiện như hình thức tập trung.
Báo cáo tại hội thảo, ông Hoàng Văn Long, điều phối viên của dự án nhấn mạnh, với thời gian ngắn và kinh phí hạn hẹp nhưng đã giúp VCA có 12 bộ tài liệu chuyên ngành về phát triển lâm nghiệp và tham gia chương trình khí hậu quốc gia để cung cấp một đội ngũ tư vấn, hỗ trợ, vận động, phát triển lâm nghiệp và tham gia chống biến đổi khí hậu cho các hợp tác xã, nhóm hợp tác xã và các hộ lâm nghiệp nhỏ trong những năm tới.
Cùng với đó, thông qua dự án này, lần đầu tiên VCA có Kế hoạch chiến lược chuyên sâu cho phát triển lâm nghiệp và biến đổi khí hậu để tập trung nguồn lực và kết hợp kế hoạch hành động hàng năm nhằm hỗ trợ các hợp tác xã phát triển.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá cao kết quả đã triển khai giai đoạn 1, đồng thời mong muốn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục triển khai giai đoạn 2 để đạt hiệu quả hơn.
Đặc biệt, qua đó nhằm nâng cao chức năng tư vấn, hỗ trợ cho Liên minh trực thuộc, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng về phát triển rừng, quản trị, điều hành đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp và dạy nghề cho thành viên, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới trong trồng, quản lý, thu hoạch sản phẩm rừng, hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, công cụ để tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ.