Thuê xe máy, nhờ người dân bản địa đưa vào đến bìa rừng thôn Nà Xoong, xã Đồng Thắng, huyện Đình Lập để tìm hiểu rừng Lim tự nhiên bị “lâm tặc” sát hạ không thương tiếc, hàng chục cây bị đốn hạ nằm la liệt trên mặt đất, hàng trăm thanh gỗ đã được xẻ thành khối vuông… tất cả dấu vết đều mới.
Rừng Lim sẽ bị “khai tử”?
Nhận được tin báo của người dân có vụ phá rừng Lim trên diện rộng, 5 giờ sáng chúng tôi từ Hà Nội tức tốc lên huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Tìm đến thôn Nà Ngòa và Nà Xoong (nay sáp nhập hai thôn trên thành Nà Xoong), xã Đồng Thắng quả không dễ.
Từ Quốc lộ 4B, cầu Quang Hòa, xã Cường Lại chúng tôi phải thuê xe máy và nhờ người dẫn đường vào bìa rừng, nơi cách vị trí rừng Lim bị đốn hạ khoảng gần 2km đi bộ đường rừng. Con đường đi vào như muốn hất tung chúng tôi xuống thung, khe suối và “vồ ếch” do đường gồ ghề, mưa trơn trượt.
Sau khi che phủ xe máy, chúng tôi tiếp tục đi bộ, trời nắng nóng, vừa đi vừa dò đường, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nơi rừng Lim đang bị “lâm tặc” đốn hạ. Trước mắt chúng tôi 2 cây, 3 cây, 5 cây và vô số cây Lim, tất cả đã được đốn hạ, nằm la liệt ra hai ven đường, nằm ngã xuống đất rừng và được “cạo trọc” lớp vỏ bên ngoài, nhiều cây còn đỏ au, dấu vết như vừa bị đốn hạ, hiện trường còn mới nguyên…
Men theo đường mòn, vào bên trong “lõi rừng” chúng tôi thực sự bàng hoàng khi chứng kiến hàng chục cây gỗ Lim cao lớn đã bị “lâm tặc” đốn hạ. Cây có đường kính hơn 20cm, có cây 40cm, dài từ 3 – 6m, đếm nhanh của phóng viên có khoảng 25 cây gỗ Lim tròn, hơn 150 thanh gỗ Lim đã xẻ thanh. Nhiều cây Lim khác đang bị các lớp bì thực vật “bao kín” nên đó cũng có thể là lý do “lâm tặc” chưa sờ tới. Nhưng không ai biết được, lớp cây Lim này hạ xuống và được vận chuyển ra khỏi rừng thì lớp cây Lim còn lại có được an toàn không? Chúng tôi không biết, nhưng với đà khai thác vô tội vạ như thế này thì chẳng mấy chốc những cây Lim kia sẽ “nằm xuống”.
Nhiều lớp bảo vệ nhưng rừng vẫn bị đốn hạ
Tìm đến Hạt kiểm lâm Đình Lập, ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng cho hay: Hạt chưa nắm được vụ việc phá rừng Lim mà phóng viên cung cấp, tại đây có ông Trần Thanh Toàn, kiểm lâm viên phụ trách hai xã Cường Lợi và Đồng Thắng, nhưng tôi vẫn chưa thấy báo cáo gì. Hơn nữa, khả năng cao khu vực phóng viên chứng kiến rừng Lim bị khai thác thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Tôi sẽ cho người kiểm tra ngay và sẽ có báo cáo gửi cơ quan báo chí.
Được biết, Trưởng thôn Nà Xoong là Tổ trưởng tổ đội quản lý bảo vệ rừng, người có trách nhiệm cao nhất tại thôn nếu để xảy ra tình trạng người dân khai thác, chặt phá rừng mà không báo cáo kịp thời cho cấp trên. Không chỉ có vậy, xã Đồng Thắng còn thành lập Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã sẽ là Trưởng ban theo phân quyền, số lượng khoảng 17 người. Nếu để xảy ra phá rừng, khai thác gỗ rừng… quy mô lớn thì người đứng đầu chịu trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND huyện và ở mức độ nhỏ hơn thì thuộc trách nhiệm Chủ tịch UBND xã.
Tại Điểm d, khoản 2, Điều 56, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 quy định: Chỉ được khai thác gỗ và các thực vật khác của rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trừ các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ về Chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Theo đó, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 đã đưa cây Lim xanh vào Nhóm II, tức thuộc danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được phép khai thác.
Vậy là cán bộ kiểm lâm huyện Đình Lập và chính quyền địa phương đều biết cây Lim không được phép khai thác cho dù nó được quy hoạch vào loại rừng nào đi chăng nữa. Vậy tại sao có rất nhiều lớp để bảo vệ rừng nhưng rừng Lim tại đây vẫn bị đốn hạ không thương tiếc? Câu trả lời xin nhường lại cho vị Chủ tịch UBND huyện Đình Lập.
Qua tìm hiểu của phóng viên, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, gỗ Lim sau khi khai thác được sẽ qua một đầu nậu thu mua và vận chuyển về Quảng Ninh để bán, số còn lại chuyển về Bắc Giang. Số lượng bao nhiêu cũng tiêu thụ hết, giá bán gỗ tròn khoảng 8 – 10 triệu/m3 tùy vào đường kính, còn gỗ xẻ thanh làm cầu thang thì 9 – 10triệu/m3 tùy vào chất lượng gỗ.
Cần truy trách nhiệm người đứng đầu
Được biết, trước năm 2019 huyện Đình Lập đã khởi tố 5 vụ liên quan tới phá rừng, phạt hành chính gần 30 vụ; riêng năm 2019 khởi tố 2 vụ liên quan tới vận chuyển và tiêu thụ gỗ Lim, mỗi một vụ hơn 1m3 gỗ và khởi tố một vụ 20m3 gỗ Trám.
Đầu năm 2020 đến nay, Hạt kiểm lâm Đình Lập đã phối hợp với Công an huyện bắt giữ một xe gỗ 1,4m3 gỗ Lim, hiện Công an huyện đang điều tra làm rõ và sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển sang Hạt để xử phạt theo quy định. Và gần đây nhất, Hạt kiểm lâm Đình Lập đã phối hợp với Cảnh sát Môi trường tỉnh Lạng Sơn tổ chức để bắt quả tang xe ô tô vận chuyển gỗ nhưng không thành công vì đối tượng đã đổ gỗ và bỏ chạy sang địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, Hạt đang hoàn thiện hồ sơ phạt một hộ dân xã Đồng Thắng liên quan tới phá rừng để trồng cây keo.
Theo ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đình Lập với khoảng 25 cây gỗ Lim tròn, hơn 150 thanh gỗ Lim đã xẻ thanh (PV cung cấp) thì ước chừng khoảng hơn 5 khối gỗ. Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 13, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, ngày 25/4/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, thì hành vi trên sẽ bị xử phạt: Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 10 m3 đến dưới 15 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 05 m3 đến dưới 07 m3 gỗ rừng tự nhiên. Đấy là chưa kể thêm các hình phạt bổ sung.
Ông Hoàn Văn Vương – Phó Chánh văn phòng phụ trách UBND huyện Đình Lập cho biết: Sẽ xin ý kiến cấp trên, vì thời gian này nhiều hội nghị quá, huyện lại đang chuẩn bị Đại hội nên rất bận, có gì chúng tôi sẽ thông tin lại cho các anh.
Huyện bận chuẩn bị đại hội, Hạt kiểm lâm Đình Lập thì không nắm rõ vụ việc khai thác rừng Lim ở Đồng Thắng, trong khi cây rừng vẫn đổ và “lâm tặc” dĩ nhiên biết đây là thời điểm “vàng” để khai thác rừng Lim!