Ngày 29/7/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa ban hành Công điện số 03/CĐ-TW về ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông và Công văn số 92/TWPCTT về việc rà soát, chủ động phương án ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch bệnh.
Chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai
Công văn 92/TWPCTT ngày 29/7/2020 gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố về việc rà soát, chủ động phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch bệnh nêu rõ, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã diễn ra bất thường, cực đoan gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân các vùng miền trên cả nước như dông, lốc, sét, mưa đá trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long…
Hiện nay, đã bước vào mùa mưa bão chính vụ, theo dự báo trong một vài ngày tới sẽ xuất hiện áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông, ảnh hưởng đến nước ta; mưa lớn hầu khắp các khu vực trên cả nước.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hiết sức phức tạp, không để xảy ra gián đoạn trong quá trình phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra tình huống thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố theo dõi thường xuyên, đồng thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết và diễn biến dịch bệnh Covid-19 qua các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin Viber, facebook của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn hai mục tiêu kép nêu trên.
Đối với các tỉnh, thành phố đã, đang và có nguy cơ cao xả ra dịch bệnh Covid-19: song song với triển khai ứng phó với dịch bệnh, các địa phương cần chỉ đạo rà soát, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai phù hợp theo hướng phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả trong điều kiện sự hỗ trợ từ bên ngoài gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực cách ly do dịch bệnh và dự kiến nơi sơ tán dân do thiên tai.
Ban Chỉ đạo TW về PCTT yêu cầu các tỉnh, thành phố khác, rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cho phù hợp với tình tình, điều kiện cụ thể tại địa phương khi có dịch bệnh xảy ra. Trong đó tập trung rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung. Chuẩn bị trang thiết bị, máy móc cần thiết để đo thân nhiệt, phân loại các đối tượng để xây dựng phương án sơ tán.
Sẵn sàng phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm chuẩn thiết yếu, hóa chất chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân.
Đồng thời, lập danh sách các lực lượng phải huy động để ứng phó thiên tai trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho các khu cách ly tập trung, các bệnh viện.
Chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị, thuốc men, khẩu trang y tế,…đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp trường hợp phải tập trung chỉ đạo hoặc đi kiểm tra hiện trường và các lực lượng được huy động tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
“Tăng cường, chủ động phương án kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin (email, phần mềm, mạng xã hội facebook, viber…) phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó và thông tin về thiên tai giữa Ban chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN các cấp, đặc biệt là đối với cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương”, Công văn nêu.
Bên cạnh đó, căn cứ điều kiện thực tế, điều chỉnh công tác trực ban và báo cáo tình hình thiên tai tại địa phương với hình thức phù hợp về Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.
Sẵn sàng ứng phó với diễn biến vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ
16 giờ cùng ngày, Ban Chỉ đạo TW về PCTT ra công điện 03/CĐ-TW về ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, một vùng áp thấp đang hoạt động ở khu vực miền Trung Philippin. Hồi 13h00 ngày 29/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,8-14,8 độ Vĩ Bắc; 122,5-123,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 1.300km.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Ngoài ra, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đầu tháng 8/2020 có khả năng xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ và mưa lớn diện rộng, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT – Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm.
Cụ thể, các tỉnh, thành phố ven biển: theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, ATNĐ, chủ động duy trì liên lạc thường xuyên, thông tin cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân tại các khu du lịch biển và các khu nuôi trồng hải sản biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp, ATNĐ để chủ động phòng, tránh.
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát các phương án sẵn sàng triển khai ứng phó với các tình huống, đặc biệt là mưa lớn ở khu vực miền núi.
Triển khai các phương án ứng phó với vùng áp thấp, ATNĐ và mưa lũ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Ngoài ra, rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó cho phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật về diễn biến của vùng áp thấp, ATNĐ và mưa lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.