Ðể góp phần ngăn chặn và quản lý hiệu quả hoạt động buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 1994.
Thời gian qua, các cơ quan thực thi pháp luật đã có nhiều biện pháp đấu tranh mạnh mẽ với các đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (ÐVHD). Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phức tạp, cần có sự vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm khắc hơn nữa của các cơ quan có trách nhiệm, nhằm bảo vệ hiệu quả ÐVHD.
Buôn bán ÐVHD ngày càng nghiêm trọng, tinh vi
Theo Cục Kiểm lâm, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ ÐVHD nguy cấp, quý hiếm đã đạt nhiều kết quả tích cực, số vụ vi phạm về ÐVHD đã giảm qua các năm. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hai năm 2018 và 2019, lực lượng kiểm lâm toàn quốc đã xử lý hơn 560 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật rừng. Trong đó, lập hồ sơ xử lý hình sự hơn 40 vụ, tịch thu 945 cá thể và 15.760 kg động vật rừng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,2 tỷ đồng.
Thống kê của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2019, các cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 36 tấn ngà voi, gần 700 kg sừng tê giác và hơn 37 tấn tê tê (bao gồm cá thể sống và vảy). Ðiển hình, ngày 25-1-2019, hơn 500 kg ngà voi và 1,5 tấn vảy tê tê đã được phát hiện và thu giữ trong công-ten-nơ gỗ tại cảng Hải Phòng. Ngày 27-7-2019, lực lượng bảo vệ pháp luật đã bắt giữ 130 kg sừng tê giác tại sân bay Nội Bài. Trước đó, ngày 18-4-2019, cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên cũng đã bắt giữ 39 cá thể tê tê do các đối tượng đang vận chuyển, tiêu thụ.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, nhiều vi phạm liên quan đến buôn bán ÐVHD trên mạng in-tơ-nét cũng đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý triệt để. Trong đó, ba đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 12,5 triệu đồng về hành vi quảng cáo rao bán các cá thể ÐVHD bất hợp pháp; hai đối tượng bị bắt giữ về hành vi tàng trữ và rao bán ÐVHD trái phép; các đường dẫn trong 49 vụ việc quảng cáo rao bán ÐVHD trái phép và 17 tài khoản cá nhân, hội, nhóm trên các trang mạng xã hội của các đối tượng vi phạm đã bị vô hiệu hóa.
Trong số các loài ÐVHD đang bị buôn bán bất hợp pháp thì nổi cộm là nhóm loài: Voi, tê tê, tê giác, các loài rùa nước ngọt, rùa biển và các loài mèo lớn. Số vụ việc liên quan đến tội phạm về ÐVHD được phát hiện và xử lý hằng năm vẫn tăng và còn diễn biến phức tạp khiến các cơ quan thực thi pháp luật cần có các nỗ lực mạnh hơn nữa để ngăn chặn và xử lý triệt để các đối tượng tội phạm này.
Ðẩy mạnh công tác đấu tranh để bảo vệ ÐVHD
Ðể thực hiện có trách nhiệm Công ước CITES, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó, quan trọng nhất phải kể đến việc ban hành Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Thủy sản 2017, Luật Ða dạng sinh học 2008, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm bảo vệ và ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các vi phạm đối với động, thực vật hoang dã. Có thể nói, chưa bao giờ việc bảo tồn và đấu tranh chống lại các vi phạm đối với ÐVHD tại Việt Nam lại nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng và xã hội như hiện nay. Các nỗ lực và hành động của Việt Nam trong thời gian gần đây thể hiện cam kết và quyết tâm chung tay với cộng đồng quốc tế đấu tranh mạnh mẽ chống nạn săn, bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp.
Bộ luật Hình sự đã quy định mức hình phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm về ÐVHD. Theo đó, các hành vi vi phạm về ÐVHD có thể phạt tù lên đến 15 năm hoặc 5 tỷ đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng đối với pháp nhân thương mại và có thể bị đình chỉ hoạt động từ sáu tháng đến ba năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ðể ngăn chặn hiệu quả nạn buôn bán ÐVHD, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Ðiển khuyến nghị: Cần thiết phải hoàn thiện và thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời những bất cập trong các văn bản về bảo vệ các loài hoang dã. Tăng cường hiệu quả thực thi và bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã.
Các cơ quan thực thi pháp luật cần phối hợp chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ của mình để xây dựng cơ chế hợp tác liên ngành nhằm phòng, chống và quản lý hiệu quả các hoạt động buôn bán các loài hoang dã. Huy động các nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách và các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi khuyến khích cộng đồng, xã hội giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã.
Bên cạnh đó, cần tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhất là đối với những người sống gần các khu vực có rừng để làm giảm áp lực từ việc săn bắt, khai thác các loài ÐVHD. Hướng dẫn, khuyến khích người dân sống ở các vùng đệm các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng phòng hộ tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài động vật, thực vật rừng, góp phần cùng các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ hiệu quả động, thực vật hoang dã.
Về công tác hợp tác quốc tế, để ngăn chặn triệt để tội phạm trong lĩnh vực ÐVHD đòi hỏi có sự hợp tác đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật của nước xuất xứ, trung chuyển, tiêu thụ cuối cùng nhằm chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, điều tra chung và nâng cao nhận thức giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm từ ÐVHD.