Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Nông nghiệp, trường Đại học Florida (Hoa kỳ) vừa phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai dự án: “Ước tính và mô hình hóa nguy cơ mắc bệnh than và sự lưu hành bệnh Brucellosis tại Việt Nam”.
Phát biểu tại Hội nghị, Gs.Ts Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Dự án dự kiến triển khai trong 5 năm bắt đầu từ 2020 tại 6 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La với kinh phí khoảng 3 triệu đô la Mỹ.
Dự án nhằm xây dựng được mô hình ổ sinh thái về phân bố địa lý của bệnh than, bệnh Brucillus anthracis ở Việt Nam; Xây dựng được cây phả hệ của Bacillus anthracis ở Việt Nam, mối quan hệ với các chủng trên Thế giới; Tăng cường nhận thức của người dân về hai bệnh này; cung cấp thông tin cho lập kế hoạch, hoạch định chính sách…
Năm 2020 là năm đánh dấu 25 Việt Nam và Hoa kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao. Hoạt động của dự án cũng là một trong các hoạt động góp phần trong việc củng cố, phát triển mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.
Về hai bệnh này, Ts. Phạm Quang Thái – Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương cho biết: Bệnh than hay còn gọi là bệnh nhiệt thán trên động vật, là bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Bệnh than chủ yếu được chia ra thành thể ho hấp khi vi khuẩn xâm nhập qua đường hô hấp, thể tiểu hóa vi khuẩn theo thực phẩm hay uống nước xâm nhập vào đường tiêu hóa, xâm nhập qua các vết thương hở trên da hoặc niêm mạc.
Hằng năm, trên Thế giới có khoảng từ 20.000 – 100.000 ca mắc chủ yếu ở nông thôn và miền núi, tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Tại Việt Nam, từ năm 2000-2014, số ca bệnh lâm sàng trên người lên tới 200 ca/năm hầu hết là các bệnh thuộc thể da và ở khu vực miền núi phía Bắc.
Bệnh Brucellosis hay còn gọi là bệnh sảy thai truyền nhiễm trên động vật. Trên Thế giới, đây được coi là một trong những bệnh lây truyền từ động vật sang người phổ biến nhất với khoảng 500.000 ca mới mới mỗi năm.
Brucellosis được báo cáo từ 86 quốc gia trên thế giới đặc biệt là các nước Châu phi, Cháu Á. Năm 2007-2017, tại Trung Quốc ghi nhận 435.108 người mắc. Tại Việt Nam, số liệu nghiên cứu từ năm 1962 cho thấy 9,6% người làm việc trong lò giết mổ gia súc và nhân viên sở thú dương tính với kháng thể kháng Brucellosis: Người làm việc vắt sữa (chiếm 40%), nhân viên thú y (33,3%), người bán thịt (16,6%).