Khu vực Hòn Miều được xác định nằm trong khu vực trung tâm bảo vệ tuyệt đối của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Nhưng Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh lại đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép thí điểm bốc dỡ than nhập khẩu và các loại hàng rời của tàu biển lớn tại khu vực Hòn Miều, vịnh Hạ Long.
Cấm rồi lại xin
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh – lâu nay, khu vực Hòn Miều vẫn được phép bốc dỡ, chuyển tải các loại mặt hàng đóng gói và ít có nguy cơ gây ô nhiễm. Các mặt hàng như: Than và các loại hàng rời phải được bỗ dỡ ở cảng Hòn Nét, TP.Cẩm Phả, để bảo vệ môi trường, cảnh quan vịnh Hạ Long.
Thực ra, trước đây, việc bốc dỡ tất cả các loại mặt hàng đều được thực hiện trong vùng lõi vịnh Hạ Long. Nhưng, trước nguy cơ gây ô nhiễm đối với Di sản thiên nhiên thế giới, từ năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định cấm bốc dỡ, sang tải đối với than, clinker, ximăng và các loại hàng hóa rời (dăm gỗ, đá các loại…) trên vịnh Hạ Long và chuyển ra cảng Hòn Nét.
Trước thời điểm 2012, các hoạt động bốc dỡ các loại mặt hàng này có những lúc gây bụi mịt mù trên vịnh Hạ Long, chưa kể có tình trạng các thuyền viên xả rác xuống vịnh.
Tuy nhiên, theo ông Thành, gần đây Quảng Ninh đón nhiều tàu trọng tải lớn, trong khi cảng Hòn Nét không đủ độ sâu để tàu vào, nên Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đề nghị UBND tỉnh cho phép các loại tàu chở hàng này giảm tải tại khu vực Hòn Miều, trước khi vào các cảng khác.
Trong công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cho rằng khu vực Hòn Miều cách xa vùng lõi của vịnh Hạ Long và không có hoạt động du lịch. Tuy nhiên, Ban quản lý vịnh Hạ Long bác hoàn toàn điều này.
Ưu tiên bảo vệ vịnh Hạ Long
Tại cuộc họp lấy ý kiến các ngành về đề xuất của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, khu vực Hòn Miều được xác định nằm trong khu vực trung tâm bảo vệ tuyệt đối của Di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long.
Khu vực dự kiến chuyển tải từ Hòn Miều đến hết đảo Hang Trai nằm trong 2 tuyến du lịch: Tuyến du lịch số 3 và Tuyến thí điểm hoạt động du thuyền cao cấp trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Khu vực tiếp giáp điểm dự kiến chuyển tải than và các loại hàng rời có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, như Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, hang Tiên Ông, hang Trống, hang Trinh Nữ…; đồng thời gần khu phân bố của các hệ sinh thái biển đặc biệt, trong đó có các rạn san hô.
Hơn nữa, việc bốc xếp các loại hàng hóa rời, đặc biệt là than, có nguy cơ gây ô nhiễm cao cho môi trường, hệ sinh thái vịnh Hạ Long, không phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường Di sản, Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên.
Ngoài ra, trong quá trình bốc dỡ, ngoài các tàu biển lớn neo đậu còn kèm theo nhiều tàu vận tải nhỏ, xà lan chở than, gây nguy cơ mất an toàn giao thông và tràn dầu, ô nhiễm môi trường. Để chuyển tải cho 3 tàu lớn, cần ít nhất 23 phương tiện thủy nội địa hoạt động kéo dài trong vòng 5 ngày.
Cũng theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, hiện, tình trạng bốc xếp hàng hóa trong vùng lõi vịnh Hạ Long thời gian qua đang gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Trong đó, tháng 6.2018, một tàu đã gây tràn dầu xuống khu vực trung tâm di sản, gây ô nhiễm tới các điểm tham quan thuộc tuyến du lịch số 2. Tháng 10.2018, một tàu trong quá trình bốc xếp đã làm rơi vãi lưu huỳnh xuống khu vực trung tâm vùng bảo vệ tuyệt đối.
Vì thế, Ban quản lý vịnh Hạ Long không nhất trí với đề xuất của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh.
“Do khu vực Hòn Miều thuộc khu vực bảo vệ tuyệt đối của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; căn cứ vào các quy định, luật, cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, hoạt động chuyển tải phải được sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ VHTTDL, Bộ Tài Nguyên – Môi trường trước khi thực hiện” – Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết.