Chính sách mới về năng lượng của Việt Nam sẽ không ưu ái than đá?

Việt Nam phải đưa ra lựa chọn quan trọng khi soạn thảo quy hoạch năng lượng quốc gia mới cho giai đoạn 2021-2030. Công bố vào mùa hè năm nay, Quy hoạch điện VIII sẽ đưa ra tầm nhìn cung ứng điện đến năm 2045. Giới chuyên gia hy vọng rằng Việt Nam sẽ sử dụng quy hoạch này để tiếp tục vị thế dẫn đầu về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, và xác định rõ vai trò của than trong việc đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh.

Việt Nam đã thành nước đi đầu khu vực trong vài năm qua với công suất lắp đặt đạt 5,5 GW vào năm ngoái, chiếm 44% công suất năng lượng mặt trời toàn Đông Nam Á. Việt Nam cũng đã đạt được mục tiêu năng lượng mặt trời cho năm 2025.

Tháng 6/2020, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chỉ rõ Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng gió với kế hoạch tăng công suất từ 7.000 MW lên 11.630 MW vào năm 2023 do các dự án điện than bị trì hoãn và phản đối.

Vận chuyển than trên sông Lòng Tàu ở Đồng Nai. (Ảnh: Alamy)

Tuy nhiên, điện từ nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm 62% tổng công suất điện lắp đặt của Việt Nam, theo một nghiên cứu năm 2018 do Viện môi trường toàn cầu (GEI) có trụ sở tại Bắc Kinh thực hiện.

Theo quy hoạch điện hiện (công bố năm 2016), loại hình điện năng này dự kiến sẽ giảm xuống còn 53% vào năm 2030. Tuy nhiên, tài chính và xây dựng các nhà máy điện mới vẫn đang tiếp diễn, phần lớn được hỗ trợ từ các ngân hàng và công ty lớn của Trung Quốc.

Nhu cầu tăng

Quy hoạch điện mới dự kiến sẽ nhấn mạnh vào phát triển hơn nữa năng lượng tái tạo. Mặc dù vậy, nhu cầu về điện công nghiệp và dân dụng đang tăng nhanh hơn nguồn cung nên nhiệt điện sẽ tiếp tục đóng một vai trò lớn.

Nguyễn Trác Đức, Điều phối viên dự án thuộc Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết: “Trung Quốc là nhà đầu tư đứng đầu toàn cầu cả về điện than và năng lượng tái tạo”.

Với nguồn tài trợ từ Trung Quốc, dù sao đi nữa Việt Nam sẽ “nắm lấy cơ hội huy động các nguồn tài chính để phát triển năng lượng tái tạo”.

“Đây là cơ hội để Việt Nam hành động”.

Hơn nữa, việc thúc đẩy sử dụng than để bù lại khoảng cách năng lượng đã bị đình trệ.

Theo WWF Việt Nam, cả nước hiện có 68 nhà máy điện than đang trong giai đoạn lập kế hoạch hoặc phát triển. Nhưng nhiều dự án bị trì hoãn.

Trong bài viết đăng tải tháng 8/2019, tổ chức theo dõi đầu tư nhiên liệu hóa thạch Market Forces cho hay có đến 57% công suất điện than theo kế hoạch bị trì hoãn trong khi 93% số dự án BOT cũng bị hoãn lại. Cộng dồn lại, các nhà đầu tư vào điện than của Việt Nam phải đối mặt với sự chậm trễ tới 100 năm.

Vì sao phải chờ đợi?

Theo Market Forces, vì nhiều nguyên nhân mà các dự án Long Phú 1 và Thái Bình 2 bị đình trệ. Dự án Nghi Sơn 2 cũng đã bị chậm tiến độ do xung đột tài chính giữa các nhà đầu tư.

Tình trạng phản đối của người dân và các mối quan tâm về môi trường cũng làm đình trệ dự án ở những nơi khác, chẳng hạn như ở Long An và Khánh Hòa. Tái định cư cũng không xuôi chèo mát mái khi người dân và giới chức bất đồng về chi phí đền bù đất.

Một nhân tố quan trọng khác là sự dịch chuyển toàn cầu khỏi năng lượng than. Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu là 3 nhà đầu tư lớn nhất về nhiệt điện tại Việt Nam. Vào tháng 4, thống đốc Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết tổ chức này sẽ ngừng cho vay với các dự án điện than ở nước ngoài, mặc dù vẫn chưa rõ liệu đây có phải là một thay đổi chính sách hay không.

Nhậm Bằng, cán bộ quản lý chương trình tại Viện Môi trường Toàn cầu cho hay một cuộc tranh luận tương tự đang diễn ra ở Trung Quốc. “Có nhiều cuộc thảo luận giữa các ngành của Trung Quốc về rủi ro khi tiếp tục đầu tư vào than ở các nước khác. Tuy nhiên, bạn phải nghĩ về những dự án phát triển mới từ đại dịch toàn cầu. Trung Quốc công bố một gói phục hồi kinh tế và chúng tôi thực sự quan ngại nhiên liệu hóa thạch hoặc than đá vẫn là một trong những công cụ để kích thích nền kinh tế”.

Thiếu minh bạch

Bernadette Maheandiran – nhà nghiên cứu và phân tích pháp lý thuộc Market Forces – cho biết nhiều công ty Trung Quốc có liên quan đến phát triển nhiệt điện ở Việt Nam dù tình trạng thiếu minh bạch khiến khó biết chính xác ai có liên quan và ở mức độ nào.

“Trừ khi được tiết lộ trên các phương tiện truyền thông Việt Nam hoặc trên các nguồn thuê bao tài chính, chúng tôi không thể thấy điều đó”, trong khi các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiết lộ các dự án của họ trong hồ sơ chính thức.

GreenID xác định được 5 dự án do Trung Quốc hậu thuẫn: 2 nhà máy điện than hiện đang được xây dựng có sự tham gia của các ngân hàng hoặc tổng thầu là công ty Trung Quốc, và 3 dự án đang lên kế hoạch. Trong khi đó, WWF Việt Nam cho biết có ít nhất 8 nhà máy có sự tham gia của Trung Quốc.

Mekong Infrastructure Tracker (công cụ theo dõi cơ sở hạ tầng khu vực Mê Kông mới ra mắt gần đây) liệt kê 7 nhà máy đang được xây dựng với nguồn vốn hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ Trung Quốc nhưng đều bị trì hoãn, và 7 nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc tài trợ đã hoàn thành trong giai đoạn 2014-2018.

Các công ty kỹ thuật và ngân hàng này bao gồm Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Tập đoàn Tư vấn Kỹ thuật Điện Trung Quốc (CPECC).

Đánh cược

Bất chấp sự thất vọng vì các dự án bị đình trệ, giới phân tích hy vọng các ngân hàng và công ty kỹ thuật Trung Quốc vẫn tham gia, đặc biệt là khi Hàn Quốc và Nhật Bản rút lui.

“Không có ai khác để lấp đầy khoảng trống với loại vốn đó”, Maheandiran nói.

“Những gì chúng ta thấy là trong nhiều dự án gặp khó khăn huy động tài chính, hoặc nếu ngân hàng từ những nước khác nói không, các ngân hàng Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào”, ông Nguyễn Trác Đức phân tích.

“Ví dụ trong dự án nhiệt điện Nam Định 1, các ngân hàng Trung Quốc đã nhảy vào khi các ngân hàng Hàn Quốc rút đi. Dự án An Khánh Bắc Giang là một trường hợp khác, các ngân hàng Trung Quốc là phương sách cuối cùng sau khi nhà đầu tư không tìm được nguồn tài chính trong một thời gian dài”.

Cầu cảng bốc dỡ than ở Trà Vinh. (Ảnh: PortCoast)

Sự thay đổi này được thể hiện rõ ràng trong dữ liệu của tổ chức Global Coal Public Finance Tracker. Ba nhà đầu tư tài chính hàng đầu vào các nhà máy nhiệt điện đã hoàn thành tại Việt Nam là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Bảo hiểm Đầu tư và Xuất khẩu Nippon. Đối với công suất nhiệt điện đang lên kế hoạch, 5 nguồn tài chính lớn nhất là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Tập đoàn Bảo hiểm Tín dụng & Xuất khẩu Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Bước ngoặt cho năng lượng tái tạo

Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng ngành năng lượng tái tạo đang phát triển của Việt Nam có thể mở ra cơ hội lớn cho các công ty tài chính và kỹ thuật Trung Quốc.

Maheandiran nhìn thấy bước ngoặt tiềm năng từ việc chi phí năng lượng tái tạo giảm và các nhà máy điện than liên tục chậm tiến độ.

“Chính phủ Việt Nam cần nhìn vào tình hình hiện tại để điều chỉnh dự báo cho phù hợp và nên tìm hiểu xem các nhà máy [nhiệt điện] ngắn hạn này cần thiết đến mức nào. Mọi người đều thèm thuồng ngành năng lượng tái tạo rất thành công ở Việt Nam. Tôi cho rằng sẽ rất thú vị khi thấy Trung Quốc tham gia vào”.

Tuy nhiên, chuyên gia Nhậm Bằng cảnh báo nguồn đầu tư này không phải lúc nào cũng dễ dàng. “Các ngân hàng và công ty của Trung Quốc thực sự muốn chuyển đổi các hoạt động dự án khỏi than đá và hướng sang năng lượng tái tạo nếu có tiềm năng lợi nhuận. Họ đang sẵn sàng đầu tư nhưng thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử hoặc khó khăn trong việc đầu tư vào năng lượng tái tạo ở các quốc gia khác”.

Các công ty Trung Quốc thường chật vật để phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở nước ngoài do cạnh tranh đấu thầu gay gắt, chính sách không hoàn chỉnh về giá năng lượng và thiếu sự công nhận giữa các định chế tài chính về khả năng tồn tại của các dự án năng lượng tái tạo. Đó lại không phải là vấn đề khi xây dựng nhiệt điện.

Dữ liệu từ Hòa bình Xanh cho thấy các khoản đầu tư vốn cổ phần của Trung Quốc đổ vào 10.400 MW công suất điện than ở các quốc gia ký kết Sáng kiến Vành đai và Con đường từ 2014 đến 2018, so với 1277 MW năng lượng mặt trời và 433 MW năng lượng gió.

Việt Nam không phải là quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, chính phủ đã thiết lập các chính sách giá cho năng lượng tái tạo nhưng phải cân bằng giữa việc phê duyệt các khoản đầu tư của Trung Quốc với xu hướng bài Trung trong nhân dân.

Trong khi đó, một thực tế không thể khắc phục trong ngày một ngày hai là các công ty Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm đầu tư vào điện than. “Các công ty Trung Quốc vẫn muốn khám phá thị trường và nếu chính phủ Việt Nam vẫn mở cửa cho các dự án điện than thì tất nhiên họ sẽ thực hiện thôi”, Nhậm Bằng nhận xét.

Thế Anh (Theo chinadilogue)

Nguồn: