Việt Nam là 1 trong 13 quốc gia còn hổ sinh sống ngoài tự nhiên, song số lượng hổ ở Việt Nam đang ngày càng suy giảm.
Cụ thể, theo thống kê năm 2001 quần thể hổ trong toàn quốc ước tính còn trên 100 cá thể. Tuy vậy, năm 2011, điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cảnh báo số lượng hổ hoang dã của Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 27 – 47 các thể. Nghiêm trọng hơn, số liệu cập nhật năm 2016 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) cho thấy số lượng hổ ngoài tự nhiên của Việt Nam còn dưới 5 cá thể và được đánh giá là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Năm 2010, tại Diễn đàn toàn cầu Bảo tồn Hổ Quốc tế Saint Petersburg (Nga), Việt Nam cam kết sẽ tăng gấp đôi số lượng hổ ngoài tự nhiên vào năm 2022. Để thực hiện cam kết này, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 539 phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 – 2022 nhằm bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, tới năm 2022 mục tiêu tăng gấp đôi số lượng hổ ngoài tự nhiên khó có thể đạt được.
Theo Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), để có thể gia tăng số lượng hổ ngoài tự nhiên, hiện nay, cách khả thi nhất là nuôi nhốt hổ trong các trung tâm bảo tồn sau đó tái thả ra tự nhiên. Tuy vậy, phương án này đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là thống kê hiện ở Việt Nam có khoảng 200 cá thể hổ được nuôi nhốt tại các trung tâm bảo tồn, nhưng có nhiều cá thể hổ không thuộc loài thuần chủng hổ Đông Dương nên khó có thể thích nghi với điều kiện tự nhiên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, con mồi và sinh cảnh tại Việt Nam để bảo đảm cho hổ có thể sinh tồn ngoài tự nhiên đang thiếu trầm trọng và nhiều nơi vẫn còn tình trạng người dân đặt bẫy săn thú rừng đe dọa đến việc sinh tồn của các loài động vật.
Để có thể bảo tồn được loài hổ, theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, cần tăng cường bảo tồn sinh cảnh, phục hồi con mồi để bảo đảm khi tái thả hồ về tự nhiên có thể sinh tồn được. Mặt khác, cần tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không săn bắt, đặt bẫy các loài động vật hoang dã. Nâng cao công tác thực thi pháp luật, xử lý nghiêm đối với các đối tượng săn bắt và buôn bán hổ nói riêng và động vật hoang dã nói chung. Quan trọng nhất là cần sự chung tay của cơ quan chức năng, tổ chức và người dân để bảo tồn loài hổ.