Chính quyền xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, thông tin chưa đúng sự thật về tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn, thậm chí có dấu hiệu “làm ngơ” cho sai phạm.
Ngay sau khi Thông tấn xã Việt Nam đăng loạt bài “Khai thác đất đồi ở Ba Vì: Nhiều vùng đồi ở Phú Sơn bị băm nát,” Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội) khẩn trương xác minh, làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm về đất đai đang diễn ra trên địa bàn xã Phú Sơn.
Tuy nhiên, thay vì làm rõ, xử lý nghiêm những vi phạm, chính quyền địa phương lại thông tin chưa đúng sự thật về tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn, thậm chí có dấu hiệu “làm ngơ” cho sai phạm.
Hậu quả là nhiều vùng đồi tại xã Phú Sơn vẫn đang tiếp tục bị “gặm” nham nhở, làm “chảy máu” tài nguyên đất, gây bức xúc trong nhân dân.
“Đột kích” công trường khai thác đất trái phép
Những ngày cuối tháng 7/2020, nhận được nguồn tin báo của nhân dân xã Phú Sơn, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam lập tức lên đường, tiếp cận hiện trường khu vực đang khai thác đất đồi trái phép tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Trời như đổ lửa, khi xe đang trên tỉnh lộ 411C đoạn qua địa bàn xã Phú Sơn, nhóm phóng viên bất ngờ phát hiện đoàn xe tải “4 chân” cơi nới thùng xe, chở đất không che chắn, chạy nhanh, tung bụi phủ kín cả đoạn đường.
Từ tỉnh lộ 411C, tiếp tục bám theo xe tải, men theo đường mòn, vượt qua nhiều dốc cua khúc khuỷu và các “chốt” cảnh báo của các đối tượng khai thác đất, nhóm phóng viên mới tiếp cận được hiện trường khu vực đồi đang bị “gặm” nham nhở ở thôn Quy Mông, xã Phú Sơn.
Càng tiến lại gần khu vực công trường khai thác đất, tiếng động cơ xe tải, máy xúc “gầm rít” càng to hơn, làm náo động của một vùng đồi.
Hoạt động khai thác đất trái phép tại khu vực này diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày và khá rầm rộ với nhiều nhân lực và máy móc.
Theo một số người dân nơi đây, do vùng này bị khai thác đá quá mức, cây rừng bị cạo trọc nên khi mưa xuống, nước từ trên núi đổ xuống như thác, cuốn trôi nhiều thứ.
Đáng chú ý, khi biết phóng viên ghi hình, từng đoàn xe tải, máy xúc trong công trường khai thác đất như “đàn ong vỡ tổ” tỏa đi nhiều hướng, dần khuất sau theo các sườn núi, những nhân lực đang khai thác đất cũng nhanh chóng lên xe bỏ chạy. Những gì còn lại là cả vùng đồi loang lổ hố sâu, cùng những cột đất đứng trơ trọi giữa công trường khai thác đất trái phép rộng hàng ngàn mét vuông.
Đáng chú ý, liên quan đến tình trạng khai thác, thu gom đất đồi trái phép đang diễn ra trên địa bàn xã Phú Sơn, ngày 29/6/2020, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đã ra công văn số 1298/UBND chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn kiểm tra, yêu cầu dừng ngay các hoạt động khai thác đất đồi trên địa bàn…
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì giao Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn khẩn trương rà soát, tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm của các hộ gia đình, cá nhân (nếu có) để thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì sẽ tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đất đai theo quy định.
Ngày 21/7/2020, thực tế ghi nhận tình trạng khai thác đất đồi trái phép trên địa bàn thôn Quy Mông, xã Phú Sơn vẫn diễn ra tràn lan với quy mô lớn thế nhưng khi làm việc với nhóm phóng viên, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn lại khẳng định đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Phú Sơn không còn hoạt động khai thác đất đồi.
Như vậy, thông tin lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn cung cấp có đúng sự thật? Đặc biệt, có hay không việc “làm ngơ” cho sai phạm, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng đồi rừng ở Phú Sơn vẫn tiếp tục bị “gặm” nham nhở?
Khai thác, thu gom đất để san lấp bằng một số dự án
Trao đổi với nhóm phóng viên, ông Nguyễn Đức Cảnh – chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì cho biết những năm gần đây, trên địa bàn xã Phú Sơn thực hiện rất nhiều các dự án trọng điểm của thành phố như: Dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 1; Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 411C; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư X5; Dự án xây dựng cầu Việt Trì nối Quốc lộ 32 Quốc lộ 32C; Dự án đường nối Quốc lộ 32-Nghĩa trang Yên Kỳ-hồ Suối Hai giai đoạn 1… Quá trình thực hiện các dự án gặp một số khó khăn vướng mắc do khan hiếm đất để san lấp mặt bằng.
Cùng thời điểm đó, một số hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất (chủ yếu có nguồn gốc là đất ở, đất trồng cây lâu năm) tại khu đồi Lỗ Mong, đồi Cao Lĩnh, đồi Lỗ Gội thuộc xã Phú Sơn có nhu cầu cải tạo, hạ bớt độ cao của thửa đất do có độ cao và độ dốc lớn rất khó khăn trong việc xây dựng nhà ở, đi lại và trồng cây.
Do vậy, việc khai thác đất đồi theo nội dung báo chí phản ánh là đúng, tuy nhiên đây là việc một số hộ gia đình, cá nhân tự thỏa thuận cho đơn vị thi công (Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh) được tận dụng phần đất thừa để thực hiện việc san lấp mặt bằng một số dự án.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn Chu Anh Tuấn, người dân đã cho các đơn vị đào đất sâu, vì có thể doanh nghiệp hỗ trợ tiền ban đầu nên đã lạm dụng khai thác.
Về việc này, Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn đã giám sát nhưng chưa được đầy đủ. Ông Chu Anh Tuấn khẳng định nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra sẽ không phục hồi được sản xuất.
Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn đã có văn bản chỉ đạo các thôn, xóm tuyên truyền để nhân dân nhận thức được việc khai thác thái quá sẽ không phục hồi lại được.
Bên cạnh đó, qua thông tin của báo chí phản ánh, chính quyền địa phương sẽ rút kinh nghiệm, xem xét lại cách quản lý, để không bị mất đi tài nguyên.
Đề cập đến vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, nhất là tài nguyên đất trên địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn Chu Anh Tuấn cho biết thêm trước mắt, Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn đình chỉ tuyệt đối việc khai thác đất.
Thời gian tới, đối với những khu vực đất đã bị khai thác nếu cải tạo được, Ủy ban Nhân dân xã đồng ý cho các hộ dân cải tạo lấy lại mặt bằng để trồng cây.
Song song với đó, Thường vụ Đảng ủy xã Phú Sơn cũng chỉ đạo các Bí thư chi bộ, Trưởng thôn tiếp tục tuyên truyền đến người dân các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Khoáng sản… để nhân dân hiểu và làm theo quy định pháp luật.
Trước đó, liên quan đến tình trạng biến tướng khai thác đất đồi ở xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam đăng loạt bài “Khai thác đất đồi ở Ba Vì: Nhiều vùng đồi ở Phú Sơn bị ”băm nát.’
Các bài báo phản ánh về việc trên địa bàn huyện Ba Vì nói chung và xã Phú Sơn nói riêng có tình trạng các chủ đầu tư, nhà thầu thu gom đất đồi của các hộ dân để hạ nền đất, cải tạo vườn đồi, chuyển đổi cây trồng và tận dụng để khai thác đất ồ ạt, dẫn đến các vùng đồi bị “băm nát,” lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thậm chí có những điểm khai thác đất thiếu an toàn, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Ngay sau đó, ngày 15/6/2020, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công văn giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì kiểm tra, làm rõ sự việc mà Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.
Tiếp theo đó, ngày 2/7/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã có công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp luật đất đai (nếu có) theo quy định của pháp luật. Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì chịu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.