Chi phí ngăn đại dịch tiếp theo chỉ bằng 2% thiệt hại từ Covid-19 nếu bảo vệ rừng và ĐVHD

Theo một phân tích mới được công bố trên tạp chí Science, nếu con người đầu tư cho bảo vệ rừng và động vật hoang dã, chi phí ngăn chặn đại dịch tiếp theo trong thập kỉ tới chỉ tương đương 2% thiệt hại tài chính do Covid-19 gây ra.

Nhóm nghiên cứu tiết lộ trong thế kỷ trước, mỗi năm có hai loại virus mới lây lan từ vật chủ là các loài hoang dã sang cho con người, và khi thiên nhiên ngày càng bị tàn phá thì nguy cơ ngày nay càng cao hơn bao giờ hết.

Điều cốt yếu là dẹp bỏ được nạn buôn bán động vật hoang dã và phá rừng – những hoạt động khiến động vật hoang dã tiếp xúc với con người và vật nuôi. Nhưng những nỗ lực này hiện không được đầu tư đúng mức.

Nhóm nghiên cứu ước tính nếu đầu tư hoảng 260 tỷ đô la trong 10 năm tới sẽ giảm đáng kể nguy cơ xảy ra đại dịch khác ở quy mô như virus corona. Khoản tiền này chỉ tương đương 2% thiệt hại tài chính từ Covid-19 gây ra cho nền kinh tế thế giới (ước đạt 11,5 nghìn tỷ đô la). Hơn nữa, đầu tư vào bảo vệ rừng và động vật hoang dã cũng mang lại lợi ích vô cùng quan trọng là giảm phát thải CO2 – thứ gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu.

Tê tê bị thu giữ ở Belawan, Indonesia. (Ảnh: Gatha Ginting/AFP/Getty Images)

Những chương trình quan trọng đang được giới khoa học kêu gọi gồm: chế tài mạnh mẽ hơn nữa với buôn bán động vật hoang dã, giám sát và kiểm soát dịch bệnh ở động vật hoang dã và vật nuôi, chấm dứt buôn bán thịt động vật hoang dã ở Trung Quốc, và giảm khoảng 40% diện tích rừng bị phá tại một số khu vực quan trọng. Có mối liên kết rõ ràng giữa phá rừng và xuất hiện virus khi dơi hoang dã là ổ chứa virus Ebola, Sars và Covid-19, còn rừng nhiệt đới là “bệ phóng quan trọng” cho các loại virus mới lây nhiễm sang người.

Giáo sư Andrew Dobson thuộc Đại học Princeton và là người phụ trách nghiên cứu chỉ rõ: “Thật ngây thơ khi cho rằng Covid-19 là đại dịch trăm năm có một. Với những gì chúng ta đang đối xử với môi trường, đại dịch sẽ ngày càng xảy ra nhanh hơn, cũng như biến đổi khí hậu”.

“Đầu tư vào ngăn ngừa là chính sách bảo hiểm tốt nhất cho sức khỏe con người và nền kinh tế toàn cầu trong tương lai. Chúng ta có thể chặn đứng đại dịch từ trước khi chúng xảy ra”, Giáo sư Stuart Pimm thuộc Đại học Duke, thành viên nhóm nghiên cứu nói thêm.

Người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen đánh giá cao phân tích: “Chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi từ Covid-19 và không thể đi theo cách tiếp cận rời rạc để giải quyết các bệnh dịch từ động vật hoang dã. Bất kể cái giá phải trả sau cùng cho virus corona là gì, hành động từ bây giờ của chúng ta chắc chắn sẽ tiết kiệm hàng tỷ đô la trong tương lai, và tránh được những hậu quả to lớn mà chúng ta đang chứng kiến”.

Nghiên cứu là lời cảnh tỉnh mới nhất của giới chuyên gia gửi tới các chính phủ để giải quyết nạn phá hoại thế giới tự nhiên và ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai. Một báo cáo do Liên hợp quốc công bố trong tháng này cho thấy thế giới đang điều trị các triệu chứng về sức khỏe và kinh tế của đại dịch virus corona nhưng không quan tâm đến nguyên nhân môi trường.

Phân tích do các chuyên gia môi trường, y tế, kinh tế và bảo tồn thực hiện, đặc biệt, nghiên cứu lưu ý các mạng lưới thực thi bảo vệ động vật hoang dã chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Mạng lưới ở Đông Nam Á chỉ có ngân sách hàng năm khoảng 30.000 đô la trong khi tổ chức toàn cầu như CITES cũng chỉ được cấp vốn 6 triệu đô la/năm.

“Tình trạng tham nhũng trong buôn bán động vật hoang dã rất cao. Một số chính trị gia tại nhiều nước không muốn tình trạng này chấm dứt”, Giáo sư Dobson cho hay.

Nhóm nghiên cứu khẳng định chấm dứt tình trạng ăn thịt động vật hoang dã ở Trung Quốc đóng vai trò quan trọng và sẽ cần khoảng 20 tỷ đô la mỗi năm, và người thiểu số sống dựa vào hoang dã phải được bảo vệ cho dù có áp đặt bất kỳ hạn chế nào.

Akanksha Khatri thuộc Diễn đàn kinh tế thế giới đồng tình: “Covid-19 cho chúng ta thấy rằng con người và các hoạt động kinh tế phụ thuộc vào cân bằng sinh tái trên hành tinh này. Nếu tiếp tục phá đi sự cân bằng tinh tế đó, chúng ta sẽ phải trả giá”.

Chuyên gia thú y Stéphane De La Rocque thuộc WHO cho rằng phân tích là rất cần thiết và sau Covid-19 thì các nhà lãnh đạo bắt đầu hiểu ra vấn đề: “Đây là lần đầu tiên chúng ta thực sự thảo luận về động vật hoang dã [và dịch bệnh, đồng thời nhận ra rằng chưa có hệ thống nào theo dõi các loài hoang dã”.

Thế Anh (Theo Guardian)

Nguồn: