Việt Nam vừa chính thức vận hành hệ thống quản lý cấp phép xuất khẩu nhập khẩu các chất HFC từ đầu tháng 5/2020. Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù, quy định mới ban hành không lâu, nhưng các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình xin cấp phép và cấp phép gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Quản lý các chất gây hiệu ứng nhà kính
HFC là các chất gây hiệu ứng nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao và là tác nhân gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, Bản sửa đổi bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô zôn đã xếp HFC vào danh mục cần cắt giảm triệt để, bên cạnh những chất làm suy giảm tầng ô zôn (CFC, Halon, CTC, HCFC và Methyl Bromide).
Thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên Nghị định thư Montreal, Việt Nam bắt đầu áp dụng quy định về quản lý hoạt động xuất nhập khẩu đối với các chất HFC từ ngày 1/5/2020 và thực hiện báo cáo về lượng tiêu thụ từ thời điểm năm 2019. Đây là cơ sở để thống kê lượng tiêu thụ hàng năm và xây dựng hạn ngạch quốc gia các chất HFC, chính thức áp dụng từ năm 2024.
Theo ông Ngô Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương, thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, Bộ Công Thương đã công bố việc cắt giảm hạn ngạch quốc gia các chất HCFC giai đoạn 2020 – 2024 còn 2.600 tấn; bổ sung 18 nguyên chất và 8 hợp chất của HFC vào danh mục cấp phép cùng với các chất HCFC. Hồ sơ xin cấp phép hiện đã được đơn giản hóa tối đa với tờ khai đăng ký điện tử, hợp đồng nhập khẩu và hồ sơ doanh nghiệp. Thủ tục đăng ký và cấp phép được thực hiện nhanh chóng, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý, thống kê.
Thực hiện đúng lộ trình Nghị định thư Montreal, năm 2020, Việt Nam đã ngừng nhập khẩu toàn bộ các chất CFC, HCFC 141 B; dự kiến ngừng nhập khẩu hoàn toàn Polyo trộn HCFC 141 B vào năm 2022. Lượng nhập khẩu các chất HCFC, HFC từ 2.600 tấn vào năm 2020 sẽ được tiếp tục cắt giảm còn 1.300 tấn vào năm 2025 và duy trì một lượng rất nhỏ vào năm 2030.
Như vậy, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế, giảm được lượng phát thải CO2 khổng lồ đóng góp một phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Tăng cường năng lực kiểm tra, kiểm soát
Việc cấp phép nhập khẩu các chất HFC mới có hiệu lực nên số lượng hồ sơ chưa nhiều. Mặc dù vậy, theo Bộ Công Thương, quá trình triển khai đã gặp một số vướng mắc do chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan liên quan, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính). Cơ chế xác minh trước thông quan giữa các Văn phòng ô zôn quốc gia rất chặt chẽ, tạo thành rào cản cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng của Cổng thông tin một cửa quốc gia chậm nâng cấp và thiếu cập nhật.
Bà Phạm Thị Thu Hương, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, qua thực tế kiểm tra tại các cửa khẩu cho thấy, thủ đoạn của một số đối tượng là khai sai mã số của chất HFC, gian lận khai báo giữa chất cấm nhập và nhập có giấy phép. Có doanh nghiệp chia nhỏ lượng hàng hóa để nhập khẩu hoặc nhập các thiết bị có thể chứa chất gây suy giảm tầng ô zôn, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, quản lý.
Đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), cơ quan đầu mối thực hiện Nghị định thư Montreal tại Việt Nam, Cục trưởng Tăng Thế Cường nhấn mạnh, sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý trong xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát cắt giảm các chất nguy hại trên. Đặc biệt là vai trò của cơ quan hải quan ở Trung ương và Chi cục Hải quan tại các cửa khẩu trong việc ngăn chặn, kiểm soát tại cửa khẩu đối với các mặt hàng bị quản lý. Công tác quản lý và cấp phép nhập khẩu sẽ đóng góp quan trọng vào định hướng tiêu dùng, thúc đẩy các ngành công nghiệp có sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô zôn chuyển đổi công nghệ phù hợp theo hướng sạch hơn bền vững hơn.
Để tiếp nối hoạt động hợp tác hiệu quả, Cục Biến đổi khí hậu và Cục Điều tra chống buôn lậu đã ký kết Biên bản ghi nhớ về trao đổi thông tin và tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô zôn cho giai đoạn đến năm 2025. Theo ông Tăng Thế Cường, thời gian tới, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục duy trì và thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin, tổ chức các cuộc hội thảo tập huấn; tổ chức đoàn khảo sát liên ngành nhằm đánh giá tình hình thực hiện quy định pháp luật về quản lý các chất làm suy giảm tầng ô zôn. Đồng thời, ưu tiên các hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành để triển khai hiệu quả cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Tại Việt Nam, các chất làm suy giảm tầng ô zôn được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (2018 – 2023) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC thông qua hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý, loại trừ các chất HCFC, nâng cao nhận thức của các ngành, người dân và các bên liên quan về loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam.