Đây là một trong những vấn đề được cử tri nhiều quan tâm. Trong đó, cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có đề nghị có giải pháp và chính sách bảo tồn, phát triển môi trường sinh thái đáy biển trong phạm vi từ bờ kéo dài ra 24 hải lý.
Vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Nhận thức tầm quan trọng của biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo nói chung, trong đó bao gồm những giải pháp và chính sách bảo tồn, phát triển môi trường sinh thái đáy biển trong phạm vi từ bờ kéo dài ra 24 hải lý nói riêng như kiến nghị của cử tri.
Theo đó, Nhà nước bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; khuyến khích tổ chức, cá nhân bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển bền vững các vùng biển phù hợp với điều kiện của từng vùng biển; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…
Đồng thời, nhà nước quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 20002; Gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển; Khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên và bảo vệ môi trường đới bờ Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội bền vững;
Chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất theo hướng thân thiện với biển và môi trường biển; rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hoà, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý, sử dụng, bảo tồn bền vững biển, đại dương;
Nhà nước đảm bảo thực hiện nghiêm túc các điều ước, thoả thuận khu vực và quốc tế về biển, đại dương mà Việt Nam đã tham gia; nghiên cứu tham gia các điều ước quốc tế quan trọng về biển, trước mắt ưu tiên các lĩnh vực về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển.
Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;
Tổ chức quy hoạch không gian biển quốc gia nhằm phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, trong đó có việc sắp xếp phân bố hợp lý vùng biển có phạm vi từ bờ kéo dài ra 24 hải lý…
Vế phía mình, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương có biển tổ chức thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện nay đang tổ chức thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ… Trong đó, bao gồm các hoạt động có liên quan đến thực hiện các giải pháp và chính sách bảo tồn, phát triển môi trường sinh thái đáy biển trong phạm vi từ bờ kéo dài ra 24 hải lý.