Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học được công bố trên tạp chí Scientific Reports, những sợi vi nhựa từ dây, lưới câu và vật liệu từ hàng dệt được phát hiện trong 67% cá mập sống dưới đáy biển.
Hạt vi nhựa và sợi vi nhựa tổng hợp từ quần áo đã được phát hiện lần đầu tiên trong ruột của những con cá mập sống ngoài khơi bờ biển Vương quốc Anh.
Các nhà khoa học đã kiểm tra dạ dày và ruột của 46 con cá mập sống dưới đáy biển đã bị bắt bởi những người đánh bắt cá tuyết tại Penzance.
Họ phát hiện ra rằng 67% cá mập được kiểm tra có chứa hạt vi nhựa hoặc các loại sợi nhân tạo khác thường được tìm thấy trong hàng dệt may. Nghiên cứu tìm thấy tổng cộng 379 hạt.
Kristian Parton thuộc Đại học Exeter – tác giả chính của nghiên cứu cho biết những phát hiện nêu bật “bản chất phổ biến của ô nhiễm nhựa”.
“Chúng tôi thực sự sốc khi phần lớn các chất gây ô nhiễm (95%) được xác định là các sợi vi nhựa từ dây câu và lưới, hoặc cellulose tổng hợp được dùng để sản xuất sợi lụa nhân tạo viscose, rayon và khẩu trang dùng một lần. Việc xây dựng cơ sở này rất quan trọng để xem xét sự thay đổi theo thời gian đối với các loài cá mập ở Anh và để so sánh trong tương lai trên toàn cầu”, ông Parton cho biết thêm.
Sợi vi nhựa chảy ra biển bằng nhiều cách bao gồm cả việc phá vỡ các mảnh nhựa lớn, sợi rơi ra từ lốp xe hơi hoặc giặt vải tổng hợp.
“Một khi những mảnh nhỏ này chảy vào sông và đại dương của chúng ta, một số nổi trên mặt nước hoặc trong cột nước trong khi những mảnh khác chìm xuống đáy biển, nơi những con cá mập này sinh sống. Cá mập có thể ăn sợi vi nhựa nằm trong cua trên bờ hoặc tôm hùm ngồi xổm hoặc thậm chí ăn trực tiếp qua lớp trầm tích dưới đáy biển”, ông Parton cho biết.
Theo ông Parton, tác động của ô nhiễm nhựa đối với cá mập được đánh giá thấp. “Hầu hết các nghiên cứu cho đến nay đã tập trung vào cá voi, rùa, cá heo và hải cẩu. Nghiên cứu này cho thấy một bức tranh rõ ràng hơn về việc ô nhiễm nhựa ảnh hưởng đến cá mập như thế nào, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi khác: Nếu hat vi nhựa ảnh hưởng đến thịt của những con cá mập này, con người có thể sẽ tiêu thụ những sợi vi nhựa này” – ông Parton nhấn mạnh.
Tiến sĩ Laura Foster, người đứng đầu vùng biển sạch tại Hiệp hội bảo tồn biển cho biết: “Nghiên cứu mới này là một lời nhắc nhở khác rằng ô nhiễm nhựa ảnh hưởng trực tiếp đến sinh vật biển ở các đại dương của Anh. Các sợi vi nhựa nhỏ ít nhìn thấy hơn một chai nhựa nhưng chúng ta cần nhận thấy những kết nối giữa biển và những gì chúng ta làm trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả quần áo chúng ta mặc và giặt. Tất cả trở thành một phần của hỗn hợp nhựa đại dương”.
Mai Đan (Tổng hợp từ Guardian)