Sau sáu năm thí điểm giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho doanh nghiệp, đến nay tỉnh Lào Cai tiến hành các thủ tục giao lại quyền quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cho ban quản lý rừng phòng hộ, chính quyền và người dân địa phương theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT). Tuy nhiên, có rất nhiều khó khăn cho địa phương trong quản lý, bảo vệ rừng ở vùng có nhà máy thủy điện.
Giao khoán bảo vệ rừng cho doanh nghiệp thủy điện
Xuất phát từ thực tế ở địa phương, sau khi thống nhất với các doanh nghiệp thủy điện trên địa bàn, UBND tỉnh Lào Cai đề xuất Bộ NN&PTNT được thực hiện thí điểm giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hai doanh nghiệp thủy điện. Đó là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Phúc Khánh (Công ty Phúc Khánh) và Công ty cổ phần Tập đoàn Thăng Long (Công ty Thăng Long). Theo đó, năm 2014, tỉnh Lào Cai giao khoán 3.780 ha rừng, tại xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn cho Công ty Phúc Khánh quản lý, bảo vệ; năm 2018 giao 5.898 ha rừng, tại các xã Liêm Phú, Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn và xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát cho Công ty Thăng Long quản lý, bảo vệ.
Để thực hiện giám sát, hằng năm Sở NN và PTNT Lào Cai, với lực lượng kiểm lâm làm nòng cốt phối hợp chính quyền các địa phương định kỳ kiểm tra sáu tháng/lần và kiểm tra đột xuất.
Theo kết quả kiểm tra của cơ quan tư vấn độc lập do Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) hỗ trợ tài chính và đánh giá của Sở NN và PTNT Lào Cai, Công ty Phúc Khánh đã xây dựng phương án quản lý rừng, phương án Phòng, chống cháy rừng, thành lập ban bảo vệ rừng (BVR) thuộc công ty và Tổ bảo vệ rừng chuyên trách gồm 12 người thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, công ty trả lương tám triệu đồng/tháng, có đóng BHXH; duy trì bốn tổ chốt BVR tại khu vực giáp ranh thường trực suốt 24 giờ; đặt hai trạm canh gác tại đầu đập nhà máy thủy điện Nậm Tha 5 và 6 để kiểm soát người ra vào rừng, kiểm soát lâm sản. Nhờ vậy, sau sáu năm nhận khoán BVR, rừng ở đây được bảo vệ tốt, không bị xâm hại; cây tái sinh phát triển tốt gồm nhiều loài đặc trưng như táu, sến, kháo, trám, bứa… Bên cạnh đó, công ty đã trồng được 132 ha rừng mới/350 ha đất trống.
Đối với Công ty Thăng Long, đã thành lập ban BVR chuyên trách, gồm 36 người và lực lượng kiêm nhiệm là 20 người, công ty trả lương hằng tháng. Ngoài ra, lập ba chốt BVR tại các vùng trọng điểm, giáp ranh với tỉnh Yên Bái; xử lý ba vụ khai thác gỗ trái phép, thu giữ 2,6 m3 gỗ quý pơ mu. Nhờ quản lý chặt, rừng tự nhiên ở đây không bị xâm hại, sinh trưởng tốt, không xảy ra cháy rừng. Tại khu vực rừng do Công ty Phúc Khánh quản lý, bảo vệ còn xuất hiện đàn khỉ vàng, với số lượng 9 đến 10 cá thể, cho thấy rừng được doanh nghiệp thủy điện bảo vệ nghiêm, chất lượng rừng tốt.
Theo ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Lào Cai, sở dĩ doanh nghiệp thủy điện quản lý, bảo vệ rừng tốt là vì đặc thù của thủy điện bậc thang ở miền núi là hồ chứa có dung tích nhỏ, lượng nước tích trữ chỉ có thể giúp cụm nhà máy phát điện duy trì khả năng phát điện trong thời gian ngắn. Vì vậy, bảo vệ rừng đầu nguồn là yếu tố mang tính sống còn đối với sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Về hiệu quả kinh tế, hằng năm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 2,9 tỷ đồng cho toàn bộ diện tích rừng đã khoán cho doanh nghiệp thủy điện (tính theo mức chi trả bình quân theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ là 300 nghìn đồng/ha/năm); tạo việc làm và thu nhập cho 104 lao động, trong đó có 30 lao động chuyên trách BVR, với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng.
Khó khăn khi bàn giao rừng cho chính quyền địa phương
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN & PTNT, tỉnh Lào Cai rà soát, đo đạc, kiểm đếm, bàn giao 8.639 ha rừng từ hai doanh nghiệp thủy điện cho Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện Văn Bàn, Bát Xát và UBND các xã Nậm Tha, Khánh Yên Hạ, Khánh Yên Trung. Cụ thể, Công ty Phúc Khánh đã bàn giao lại cho địa phương toàn bộ hồ sơ nội nghiệp và 3.765 ha rừng, trong đó bàn giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Văn Bàn 3.400 ha và UBND xã Nậm Tha 365 ha, ranh giới được xác định bởi 61 điểm tọa độ; với trữ lượng gỗ là 566 nghìn mét khối, và 27,5 tấn cây vầu. Công ty Thăng Long đã bàn giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Văn Bàn, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn và UBND các xã Khánh Yên Hạ, Khánh Yên Trung toàn bộ hồ sơ nội nghiệp và 4.874 ha rừng, với trữ lượng 870 nghìn mét khối gỗ và 188 tấn cây vầu.
Tuy nhiên, ông Tô Mạnh Tiến cho biết việc không tiếp tục khoán rừng cho doanh nghiệp thủy điện ở địa phương gây khó khăn cho cơ quan chuyên môn và địa phương. Cụ thể là, phải tổ chức lại công tác tổ chức khoán để bảo đảm bảo vệ và phát triển rừng, mất nhiều thời gian trong việc giao – nhận hàng nghìn héc-ta rừng và xác định diện tích, trạng thái của từng lô rừng. Sau khi nhận rừng về từ doanh nghiệp lại tiến hành các thủ tục có liên quan đến công tác khoán BVR cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng.
Với lực lượng của doanh nghiệp đông và sát sao do ở gần rừng cho nên bảo vệ dễ dàng hơn so với các xã chỉ có thể bố trí từ 1 đến 2 công chức kiểm lâm. Để duy trì lực lượng BVR chuyên trách khoảng 30 người, hằng năm ngân sách nhà nước phải chi khoảng 2,9 tỷ đồng (tính theo mức chi trả bình quân là 300 nghìn đồng/ha/năm). Hiện tại đã là giữa năm nên việc đề xuất kinh phí bổ sung từ ngân sách nhà nước là rất khó khăn, trong khi phải duy trì lực lượng BVR chuyên trách để bảo vệ hơn 8.000 ha rừng mới tiếp nhận từ hai doanh nghiệp thủy điện nêu trên.
Để tháo gỡ khó khăn trước mắt và lâu dài, Sở NN & PTNT tỉnh Lào Cai đề nghị, trước mắt tiếp nhận lực lượng BVR chuyên trách của doanh nghiệp để lại và kiến nghị cơ chế đặc thù ứng trước kinh phí hằng tháng để chủ rừng mới là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Văn Bàn và Bát Xát thuê khoán tổ, đội BVR theo hướng bán chuyên trách để bảo vệ toàn bộ diện tích rừng đã nhận bàn giao từ hai doanh nghiệp thủy điện nêu trên. Nhà nước giao kinh phí BVR từ nguồn ngân sách để bảo vệ diện tích rừng tiếp nhận lại của Công ty Thăng Long từ tháng 7-2020, do khu vực này không thuộc diện được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định.