Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, hướng dẫn sử dụng và danh mục loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất danh mục loài dược liệu nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu từ các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bao gồm 143 dược liệu như: Bách vàng, hoàng đàn hữu liên, sa mộc dầu, thông nước, sâm Ngọc Linh, tê tê java, tê tê vàng, tắc kè đuôi vàng, thằn lằn cá sấu, kỳ đà vân, rắn hổ chúa, đẳng sâm, trai lý (rươi)…
Bộ Y tế cho biết, dược liệu quý, hiếm nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được sắp xếp thành hai nhóm theo tính chất và mức độ quý, hiếm của chúng:
Nhóm I: Gồm những loại thực vật (IA) và những loại động vật (IB) đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học, kinh tế và y tế, có số lượng, trữ lượng rất ít hoặc đang có nguy cơ bị diệt chủng.
Nhóm II: Gồm những loại thực vật (IIA) và những loài động vật (IIB) có giá trị y tế và kinh tế cao đang bị khai thác quá mức, dẫn đến cạn kiệt và có nguy cơ diệt chủng.
Tiêu chí xác định dược liệu đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ, đặc hữu như sau:
1- Loài có giá trị đặc biệt về khoa học là loài mang nguồn gen quý, hiếm để bảo tồn và chọn tạo giống.
2- Loài có giá trị đặc biệt về y tế là loài mang các hợp chất có hoạt tính sinh học quan trọng được sử dụng trực tiếp hoặc làm nguyên liệu điều chế các sản phẩm y dược.
3- Loài có giá trị đặc biệt về kinh tế là loài có khả năng sinh lợi cao khi được thương mại hóa.
4- Loài có giá trị đặc biệt về sinh thái, cảnh quan và môi trường là loài giữ vai trò quyết định trong việc duy trì sự cân bằng của các loài khác trong quần xã; hoặc có tính đại diện hay tính độc đáo của khu vực địa lý tự nhiên.
5- Loài có giá trị đặc biệt về văn hóa – lịch sử là loài có quá trình gắn với lịch sử, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư.