Sáng ngày 21/7, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp với Tổng cục Môi trường và các đơn vị liên quan về dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện báo cáo về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.
Sẽ kiểm kê, phân loại các vùng đất ngập nước
Đại diện Ban soạn thảo cho biết, các vùng đất ngập nước có vai trò nền tảng đối với sự sống, là cái nôi của đa dạng sinh học Việt Nam, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của nước ta, bao gồm các nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp, hấp thu, dự trữ và điều tiết nước, điều tiết khí hậu, hạn chế lũ lụt, là nơi lắng đọng phù sa, hình thành đất và còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng; là nơi nghỉ dưỡng, giải trí và đóng góp đáng kể trong sự phát triển của ngành du lịch.
Để bảo vệ các vùng đất ngập nước, ngày 29/07/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước thay thế Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/09/2003 về Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước. Đây là một dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường của Việt Nam.
Theo đó, Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước ra đời không chỉ là sự khẳng định về các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình thực thi Công ước Ramsar mà còn tăng cường phát huy các giá trị, vai trò và chức năng của các vùng đất ngập nước Việt Nam trước các áp lực của sự phát triển và tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt trên toàn cầu.
Nghị định số 66/2019/NĐ-CP đã quy định bao quát các chính sách cụ thể về quản lý các vùng đất ngập nước nói chung và các vùng đất ngập nước quan trọng theo yêu cầu của thực tiễn Việt Nam, hướng dẫn của Công ước Ramsar và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Các quy định của Nghị định là cơ sở cho việc quản lý bền vững đa dạng sinh học vùng đất ngập nước, góp phần làm sạch nguồn nước, chất ô nhiễm; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển.
Tuy nhiên, trong phạm vi của Nghị định này chưa hướng dẫn cụ thể các nội dung về phân loại đất ngập nước; quan trắc vùng đất ngập nước quan trọng; xây dựng báo cáo về vùng đất ngập nước; tổ chức hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn; tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và các mô hình cộng đồng quản lý bền vững vùng đất ngập nước quan trọng. Theo đó, các nội dung này được Chính phủ quy định giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện tại Điểm c Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP.
Nhằm tăng cường hiệu quả thực thi Nghị định này và trách nhiệm của cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên toàn quốc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng Thông tư quy định chi tiết một số điều Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước là cần thiết để góp phần kiện toàn văn bản pháp lý về đất ngập nước, đáp ứng với mục tiêu phát triển bền vững đất nước và thực hiện hiệu quả cam kết quốc tế về bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước ở Việt Nam.
Theo cơ quan soạn thảo, Thông tư sẽ quy định về thống kê, kiểm kê, phân loại đất ngập nước và quan trắc, xây dựng báo cáo đất ngập nước. Tổ chức Hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước và vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn.
Lưu ý về dự thảo Thông tư này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Tổng cục Môi trường cần phối hợp với Tổng cục quản lý đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thống nhất nội dung về vấn đề kiểm kê đất ngập nước. Đơn vị soạn thảo cũng cần phân biệt rõ đất ngập nước và đất ngập nước quan trọng, từ đó, đặt ra vấn đề bảo tồn đến đâu để vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế, vừa có cơ sở để bảo tồn thiên nhiên.
Về Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, Thứ trưởng cơ bản đồng ý với quy định trong dự thảo Thông tư. Thứ trưởng cho rằng, hình thức tổ chức sẽ tùy thuộc chức năng, tình hình thực tiễn và nguồn lực của các địa phương.
Phải báo cáo hoạt động sử dụng nguồn gen
Trình bày dự thảo Thông tư quy định chế độ và mẫu báo cáo về thực hiện tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết, việc xây dựng thông tư này dựa trên cơ sở pháp lý tại Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 59/2017/NĐ-CP quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, hướng dẫn thực hiện mẫu báo cáo tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen”.
Cùng với đó, tại Điều 6 Nghị định số 59/2017/NĐ-CP quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 2 cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen. Ngay sau khi Nghị định số 59/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Bộ TN&MT đã tiếp nhận, thẩm định và ban hành 03 Giấy phép tiếp cận nguồn gen (02 Giấy phép cho mục đích thương mại và 01 Giấy phép cho mục đích phi thương mại) và trên 50 Quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục thẩm định các hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận, thẩm định 03 hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, 03 hồ sơ đăng ký đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại.
“Để quản lý có hiệu quả việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích theo quy định pháp luật thì việc yêu cầu các bên liên quan báo cáo hoạt động sử dụng nguồn gen đã được cấp phép là rất quan trọng nhằm giám sát việc sử dụng nguồn gen đúng mục đích đăng ký”, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn khẳng định.
Ghi nhận mục đích của Thông tư này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: “Căn cứ quy định tại Nghị định số 59/2017/NĐ-CP và yêu cầu từ thực tiễn trong hoạt động quản lý tiếp cận nguồn gen, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định chế độ và mẫu báo cáo về thực hiện tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen là cần thiết nhằm tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ, đầy đủ trong việc quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen tại Việt Nam”.
Thứ trưởng chỉ đạo, Tổng cục Môi trường cần rà soát lại các quy định, phân định rõ mẫu báo cáo tương ứng với từng đối tượng. Đầu tháng 8, cả 2 dự thảo Thông tư này được chỉnh sửa hoàn thiện để trình Vụ Pháp chế thẩm định.