Các dòng chảy vẫn chưa đổ về Biển Hồ (Tonle Sap) ở Campuchia, khiến hoạt động ngư nghiệp của ngư dân nước này bị gián đoạn.
Hàng năm, nước từ sông Mê Kông thường đổ về Biển Hồ (Campuchia), vốn là hồ điều tiết nước tự nhiên lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Song dòng chảy này tiếp tục đổ về muộn trong năm nay, đe đoạ cuộc sống của những người đánh bắt thủy sản.
Theo nhiều chuyên gia thủy văn, dòng nước từ sông Mê Kông sẽ chảy về Biển Hồ vào tháng sau, muộn hơn diễn biến tự nhiên trong nhiều năm trước đó.
Các chuyên gia cho rằng tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở lưu vực sông Mê Kông cùng các dự án thủy điện ở Lào và Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên này.
“Tôi đã đi câu suốt hai đêm nay nhưng không có đủ cá”, Khon Kheak, một ngư dân tại làng nổi Kampong Khleang, cho biết. Năm nay, mỗi chuyến đi câu chỉ mang về cho ngư dân này 3 USD, so với 12-25 USD vào mùa câu các năm trước.
Dòng nước từ sông Mê Kông thường đổ về Biển Hồ trong 120 ngày, làm mực nước dâng lên gấp 6 lần bình thường. Cuối tháng 9 là thời điểm dòng nước quay về sông Mê Kông, kết thúc mùa đánh bắt quan trọng trong năm.
Phó Tổng thư ký Ủy ban Mê Kông Quốc gia của Campuchia, ông Long Saravuth cho biết dòng chảy có thể xuất hiện vào tháng 8 năm nay. Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cũng khẳng định dòng chảy sẽ luôn đến muộn từ năm nay.
MRC cho rằng lượng mưa ít cùng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông đã gây ra tình trạng này. Trong khi đó, Lào và Trung Quốc tuyên bố các đập nước mang lại lợi ích kinh tế quan trọng, giúp điều tiết dòng chảy, ngăn lũ lụt và hạn hán.