Nguy cơ đối với con đường phục hồi kinh tế Trung Quốc

Theo báo “Liên hợp buổi sáng”, trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn đang chật vật trong “cơn khói mù” do dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 13/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc dựa trên nền tảng vững chắc có thể chịu được “cơn gió ngược” toàn cầu và sức ép của Mỹ, tình hình phục hồi hiện nay ít nhất có thể tiếp tục kéo dài đến cuối năm 2020.

Tuy nhiên, do Chính phủ Trung Quốc không có ý định tăng mức kích thích tăng trưởng, thêm vào đó là thiếu sự hợp tác giữa các nước lớn như giữa Trung Quốc và Mỹ, nên tăng trưởng của Trung Quốc khó có thể kéo theo sự phục hồi nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16/7, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II/2020 đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trở lại mạnh mẽ so với mức giảm 6,8% trong quý I/2020, đồng thời thu hẹp mức giảm GDP trong nửa đầu năm 2020 xuống còn 1,6%.

Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã cơ bản phục hồi trở lại ở mức trước khi dịch COVID-19 bùng phát. So với mặt cung, tiến độ phục hồi của mặt cầu vẫn còn tương đối chậm. Tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội trong quý II/2020 giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, 6 tháng đầu năm giảm 11,4%.

Ngành xuất nhập khẩu, vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, cũng cho thấy khả năng phục hồi và dần ổn định trở lại sau những chấn động trong quý I/2020. Tháng 6/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 5,1%, kéo theo mức giảm trong quý II/2020 được thu hẹp từ 6,5% của quý I/2020 xuống còn 0,2%.

Vương Quân, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung Nguyên (Trung Quốc), phân tích rằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng Sáu đã phục hồi trở lại sau khi chạm đáy. Điều này vừa có lợi cho chính sách ổn định ngoại thương của các nhà hoạch định chính sách, đồng thời cùng với các doanh nghiệp ngoại thương tích cực khai thác các kênh kinh doanh mới như thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ông Vương Quân hy vọng rằng với sự hỗ trợ của thị trường trong nước ổn định, trạng thái phục hồi của cả cung và cầu sẽ tiếp tục kéo dài trong 6 tháng cuối năm, GDP trong quý III và quý IV dự kiến sẽ tăng trở lại khoảng 6%.

Vị chuyên gia này cho rằng mặc dù dịch bệnh trên toàn cầu hiện vẫn chưa lắng xuống, nhu cầu từ nước ngoài đối với hàng hóa tổng thể còn yếu. Thêm vào đó là nhiều sức ép nặng nề từ phía Mỹ. Đây đều là những trở ngại đối với sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Nhìn từ hiệu quả kinh tế của quý II cho thấy, những yếu tố trên vẫn chưa ngăn chặn đà phục hồi của nền kinh tế khổng lồ này. Nếu nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục phục hồi, nghĩa là mở rộng mua sắm hàng hóa từ nước ngoài, điều này sẽ phát huy vai trò hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Vương Quân cũng chỉ rõ, tình trạng dịch bệnh bùng phát khắp nơi và các nước “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự phối hợp và hợp tác, điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi của Trung Quốc. Chỉ khi nào các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ chuyển từ đối đầu sang hợp tác, mới có thể cùng nhau kéo con thuyền lớn kinh tế thế giới “ra khỏi vũng lầy”.

Tạ Đống Minh, nhà nghiên cứu trưởng của ngân hàng OCBC chi nhánh Trung Quốc, nhận định hiệu ứng lan tỏa của kế hoạch “Bốn nghìn tỷ NDT” của Trung Quốc năm 2008 đã kéo theo sự phục hồi kinh tế khu vực, nhưng hiện nay Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để tránh con đường cũ “nước lớn tràn vào”, sắp tới ít có khả năng gia tăng mức độ kích thích kinh tế, ảnh hưởng đối với các nền kinh tế khác cũng sẽ hạn chế.

Ngoài ra, vấn đề nan giải nhất đối với hầu hết các nước hiện nay không phải là nhu cầu nước ngoài thấp, mà là nền kinh tế trong nước chưa được khởi động lại một cách hiệu quả, chuyên gia Tạ Đống Minh nói thêm.

Trong báo cáo mới nhất hồi tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1% trong năm 2020, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất đạt được tăng trưởng dương trong năm nay. Nhưng báo cáo cũng dự đoán một cách bi quan rằng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ suy giảm 4,9% từ mức giảm 3% đưa ra trước đó, và kinh tế châu Á sẽ lần đầu tiên suy giảm.

Chuyên gia Tạ Đống Minh dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ nằm trong khoảng từ 2% đến 3%. Nguy cơ lớn nhất trên con đường phục hồi trong nửa cuối năm nay là sự tái bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu và mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ông nhận định, mặc dù kinh tế Trung Quốc có chiều hướng tốt lên khiến Bắc Kinh có dũng khí hơn trong ván bài với Washington, nhưng trước khi kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới chính quyền của ông Donald Trump có thể sẽ không vì các yếu tố kinh tế mà thay đổi chiến lược đối với Trung Quốc.

Nguồn: