Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết nhu cầu điện của Việt Nam trong 5 năm tới cần 50.000 MW. Theo tính toán, nguồn vốn cần để phát triển nguồn điện là 7-10 tỷ USD/năm.
Sáng 22/7, diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam lần đầu được tổ chức bởi Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cùng nhiều lãnh đạo Chính phủ tham dự diễn đàn. 15 điểm cầu quốc tế cũng được kết nối trực tuyến, trong đó có Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ tham gia tại Washington.
Cần thêm khoảng 50.000 MW đến năm 2025
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình cho biết năng lượng là ngành kinh tế – kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, phát triển năng lượng có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 55/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về phát triển ngành năng lượng quốc gia, giành ưu tiên cao hơn cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.
Ông Bình nhấn mạnh hiện các nguồn cung trong nước đang không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt. Than có trữ lượng và tài nguyên còn lớn nhưng điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, làm gia tăng giá thành. Mức độ tăng than và khí nhập khẩu trong thời gian tới sẽ là một sức ép.
Theo tính toán, xu hướng nhập khẩu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn. Tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu năng lượng sẽ khoảng 33-37% vào năm 2025 và lên đến 50-58% vào năm 2035. Những diễn biến này đang có phần tác động tới mục tiêu về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước.
Do đó, ông Bình cho rằng việc phát triển năng lượng hiệu quả, bền vững trong bối cảnh này lại càng đóng vai trò quan trọng.
“Có đòn bẩy nhưng cần lối đi”
Đồng tình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc phải tăng nhập khẩu các nguồn sơ cấp sẽ giảm khả năng tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, phụ thuộc vào các nền kinh tế khác.
Ông cho biết từ nay đến năm 2025, Việt Nam sẽ cần thêm khoảng 50.000 MW công suất điện nguồn. Với giá bình quân đầu tư 1 triệu USD/MW, mỗi năm cần khoảng 7-10 tỷ USD. Số tiền này còn chưa kể nguồn vốn cho các mạng lưới hệ thống truyền tải.
“Cần có chính sách huy động các nguồn lực. Sẽ phải sửa các luật như Điện lực, Dầu khí, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, có thể có thêm Luật Năng lượng tái tạo để huy động nguồn lực”, ông nói.
Phát biểu tham luận, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, cho biết tư nhân có thể làm được nhiều việc trong phát triển năng lượng. Ông cho biết doanh nghiệp mình đã xây dựng được một đường dây 500 kV chỉ mất 7-8 tháng, giải phóng mặt bằng 700 ha chỉ mất khoảng 45 ngày.
Ông này hoan nghênh nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và cho rằng đó là “đòn bẩy” để tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Tuy nhiên, ông cho biết vẫn rất cần Chính phủ đưa ra hành lang pháp lý cụ thể, đưa ra điều kiện cần và đủ để tư nhân tham gia lĩnh vực này.
“Có đòn bẩy nhưng không có lối nào đi thì chúng tôi cũng sẽ không làm được”, ông nói.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện nay, nhiều khó khăn, vướng mắc tại các quy định liên quan tới công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển các dự án ngành năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực.
Để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển lĩnh vực năng lượng ngày càng tích cực hơn, Bộ trưởng cho biết sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng. Ông nhấn mạnh tiềm năng của khu vực tư nhân là rất để tham gia vào hệ thống năng lượng quốc gia, đặc biệt là đầu tư vào phát triển hệ thống điện.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Điện lực để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực năng lượng.
Sẽ có quy định tỷ lệ nội địa hóa các nhà máy điện
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết sẽ xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách khuyến khích nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành năng lượng. Sắp tới, Chính phủ sẽ có quy định tỷ lệ nội địa hóa đối với các nhà máy điện nói riêng và dự án năng lượng nói chung.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng năng lượng trong các ngành, lĩnh vực có mức tiêu thụ năng lượng cao, như ngành thép, hóa chất, xi măng, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thì nhấn mạnh cần xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án năng lượng tái tạo như cơ chế đấu thầu, đấu giá, huy động vốn, khuyến khích các dự án điện mặt trời, cơ chế bán điện trực tiếp người sản xuất điện và khách hàng sử dụng điện…
Thời gian tới, Chính phủ sẽ hoàn thành quy hoạch xác định rõ quy mô nguồn điện trong từng giai đoạn, xác định cơ cấu nguồn điện, để đảm bảo nguồn sơ cấp, tăng cường tính tự chủ, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong vận hành hệ thống, bảo vệ môi trường.