Đình chỉ hoạt động đối với từng công đoạn sản xuất, dây chuyền nào phát sinh ô nhiễm bắt buộc dây chuyền đó phải dừng hoạt động để sửa chữa, cải tạo lại.
Đó là khẳng định của ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) khi thông tin đến báo chí liên quan đến cấp phép nhập khẩu phế liệu tại Họp báo thường kỳ Bộ TN&MT mới đây.
Theo ông Hoàng Văn Thức, Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu đã quy định bao gồm quản lý chất thải bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.
Tiếp đó, Bộ TN&MT có Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Năm 2019, Nghị định 40 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 đã điều chỉnh lại một số điều kiện chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp được nhập khẩu phế liệu làm tư liệu sản xuất. Đặc biệt, đối với nhựa phế liệu, nghị định 40 quy định chặt chẽ hơn, đó là chỉ được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa.
Theo đó, hiện nay chúng ta chỉ cho phép doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu phế liệu về sản xuất trực tiếp với điều kiện cơ bản đảm bảo đầy đủ thủ tục về báo cáo đánh giá tác động môi trường. “Từ khi có Nghị định 40 có hiệu lực từ 1/7/2019 đến nay, bắt buộc các doanh nghiệp muốn nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất trong nước phải được Bộ TN&MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường”, ông Thức nói.
Tuy nhiên, cũng có một lộ trình chuyển tiếp những báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các báo cáo mà trước đây tỉnh đã phê duyệt thì theo Nghị định 40 sẽ được gia hạn. Cụ thể, hết năm 2020, các doanh nghiệp đang được nhập khẩu phế liệu ở các tỉnh nếu đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường do tỉnh phê duyệt muốn được nhập khẩu phế liệu tiếp phải có bổ sung hệ thống, cải tạo nâng cấp trình Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cũng theo ông Thức, Thông tư 41 đã quy định một số điều kiện về nhập khẩu phế liệu, trong đó bắt buộc các doanh nghiệp phải bố trí kho tàng, bến bãi để làm kho lưu trữ. Và các kho tàng, bến bãi đó phải đảm bảo điều kiện bảo vệ môi trường như: có các hệ thống công trình xử lý chất thải (hệ thống xử lý nước thải, khi thải hoặc những yêu cầu về quản lý chất thải công nghiệp nguy hại).
Trong quá trình kiểm tra cấp phép, đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường đều có đánh giá về hệ thống xử lý nước thải, khí thải. Cơ sở nào mà hệ thống xử lý nước thải hoặc khí thải ra môi trường không đạt chuẩn, Bộ TN&MT sẽ làm việc và trả lại hồ sơ, yêu cầu khắc phục và làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đồng thời, quá trình thanh tra, kiểm tra cũng xác định, các doanh nghiệp gây xả thải, ô nhiễm ở công đoạn sản xuất nào. Theo quy định của pháp luật, khi một doanh nghiệp qua thanh tra, kiểm tra có phát hiện thấy ô nhiễm môi trường, trước hết phải có biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Căn cứ vào khung xử phạt áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung (đình chỉ hoặc tưới giấy phép).
“Đình chỉ ở đây là với từng công đoạn sản xuất, dây chuyền nào phát sinh ô nhiễm thì bắt buộc dây chuyền đó phải dừng hoạt động để sửa chữa, cải tạo lại”, ông Thức nhấn mạnh.