Tổng cục Lâm nghiệp đặt mục tiêu nâng cao năng suất rừng trồng lên 30 m3/ha/năm vào năm 2025 và 40m3/ha/năm vào năm 2030.
Cả nước trồng rừng, phủ xanh đồi trọc
Quảng Ninh đóng cửa rừng năm 1997, là một trong ít địa phương đóng cửa rừng sớm nhất cả nước, chính thức ngừng mọi hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán sản phẩm từ rừng. Cùng với đó, các chương trình, dự án trồng rừng, phủ xanh đất trồng đồi núi trọc như 661 (trồng mới 5 triệu héta rừng), Việt Đức, 327, trồng rừng ngập mặn JICA… được phát động và triển khai mạnh mẽ.
Đến nay, diện tích rừng của Quảng Ninh đạt trên 337.000ha, trong đó có trên 122.700ha rừng tự nhiên, 214.800ha rừng sản xuất đều phát triển tốt, tỉ lệ che phủ rừng đạt 54,7%, là một trong những địa phương có tỉ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước.
Thanh Hóa cũng là địa phương đang quyết tâm trồng mới 10.000ha rừng trong năm 2020, trong đó chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và phát triển các loại cây lâm nghiệp chủ lực, có lợi thế của từng địa phương để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến xuất khẩu.
Tại Bạc Liêu, diện tích rừng và đất rừng tuy không lớn nhưng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, phòng hộ ven biển, bảo tồn tính đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu, hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản và bảo vệ an ninh quốc phòng.
Theo ông Lưu Hoàng Ly – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, hàng năm, UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức trồng cây, mở đầu cho phong trào trồng cây nhân dân.
Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định các chỉ tiêu trồng 7.100ha rừng đặc dụng, phòng hộ với tốc độ bình quân 470ha/năm; trồng 136.600ha rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh rừng bình quân khoảng 36.600ha/năm; trồng 48,4 triệu cây cây phân tán, bình quân đạt 3,23 triệu cây/năm…
Quyết tâm đưa tỉ lệ che phủ lên 45%
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã giảm dần qua các năm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại; công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy tiếp tục có nhiều tiến bộ; công tác trồng rừng tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai…
Trong năm qua, phong trào bảo vệ rừng và trồng rừng đã đưa tỉ lệ che phủ của rừng tăng từ 41,19% năm 2016 lên 41,89% năm 2019.
Tuy nhiên, dù diện tích rừng tăng thuần trên quy mô cả nước, nhưng mất rừng vẫn diễn ra tại nhiều địa phương do chuyển đổi rừng sang mục đích khác như: Sản xuất nông nghiệp (làm rẫy, trồng sắn, nuôi tôm), trồng cây công nghiệp (càphê, caosu), xây dựng hạ tầng, phát triển năng lượng (đường sá, thủy điện) hoặc khai khoáng…, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL và Bắc Trung Bộ.